Đại diện cho Bộ Y tế tại buổi công bố báo cáo là Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long; đại diện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân; đại diện cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Thứ trưởng Hà Công Tuấn.
Theo kết luận của Bộ Y tế, tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, các nục, các chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đuối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản nuôi ở vùng đầm nuôi của 4 tỉnh miền trung đều đảm bảo an toàn. Trong khi đó, các loại cá tầng đáy như như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, cá đục, bạch tuộc, cua đá…ở tầng đáy trong vòng 13.5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.
Bên cạnh đó, hai độc tố phenol, xyanua (hai độc tố gây ra hiện tượng cá chết) cũng được phân tích kỹ càng. Theo đó, tất cả các mẫu hải sản ở miền trung đều không phát hiện có xyanua. Với phenol, tất cả hải sản tầng nổi đều không phát hiện ra phenol trong cá. Tuy nhiên, ở tầng đáy phát hiện 132 mẫu hải sản, chủ yếu là các sinh vật tầng đáy có nhiễm phenol, phân bố trong vùng từ 5-25km với tỷ lệ nhiễm cao nhất là Hà Tĩnh, Quảng Bình, thấp nhất là Lăng Cô, Thừa Thiên Huế.
Kết quả trên được Bộ Y tế đưa ra sau khi tiến hành phân tích hơn 1040 mẫu hải sản tại 4 tỉnh miền trung và 300 mẫu hải sản đối chứng ở Hải Phòng, Khánh Hòa và Bà Rịa – Vũng Tàu. Bên cạnh việc phân tích tại Việt Nam, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Ngoài ra, các mẫu phân tích còn được gửi đi Nhật Bản, Singapore để đối chứng.