Sau 2 ngày nghị án, chiều 31/5, HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên án bị cáo Hứa Thị Phấn và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín (Trustbank, nay là Ngân hàng Xây Dựng). Tới gần 20h (sau gần 5h đọc bản án), phiên tòa xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn và đồng phạm mới kết thúc.
Theo HĐXX, đầu năm 2017, Hứa Thị Phấn cùng 14 cá nhân có quan hệ gia đình (nhóm Phú Mỹ) đã mua khoảng 254 triệu cổ phần của Ngân hàng Đại Tín (chiếm gần 85% vốn điều lệ). Dù chỉ tham gia với vai trò cố vấn cao cấp nhưng bà Phấn là người điều hành, có quyền quyết định mọi hoạt động của ngân hàng này.
Về hành vi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch để bán cho Ngân hàng Đại Tín, ban đầu bà Phấn nhận chuyển nhượng căn nhà từ một cá nhân với giá trị khoảng 371 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bị cáo Phấn đã chuyển nhượng lòng vòng và chỉ đạo Công ty định giá Trust Asset (cũng do bà Phấn điều hành) nâng khống giá trị căn nhà lên hơn 1.260 tỷ đồng, rồi tiếp tục chỉ đạo Đại Tín mua lại với giá 1.260 tỷ đồng, sau đó hạch toán hạch toán thu chi khống để hợp thức việc mua bán trước đó, chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng.
Với hành vi liên quan tới Công ty Phương Trang, HĐXX cho rằng, thông qua trợ lý Bùi Thị Kim Loan, bị cáo Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo lãnh đạo và nhân viên Đại Tín thực hiện lập và hạch toán chứng từ thu chi khống. Trong khi đó, Công ty Phương Trang dùng nhiều bất động sản để đảm bảo cho các khoản vay. Tuy nhiên dưới sức ép của Phấn, Công ty này đã ký trước hồ sơ, chứng từ giải ngân. Lợi dụng điều này, Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo không giải ngân hoặc giải ngân không đủ, sau đó lập hồ sơ đẩy dư nợ khống cho Phương Trang.
Theo bản án, trên sổ sách tại Ngân hàng Xây Dựng tính đến ngày 15/11/2017 cho thấy Phương Trang còn dư nợ gốc của 46 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu trị giá 9.042 tỷ đồng.
HĐXX khẳng định xử vắng mặt bà Phấn là đúng, đồng thời bác bỏ quan điểm của các luật sư khi cho rằng HĐXX làm việc không khách quan. |
Trên thực tế, Phương Trang đã thực nhận 3.936 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm thanh toán số tiền này cho Ngân hàng Xây Dựng (tiền thân của TrustBank và VNCB). Số tiền gốc còn lại là 5.465 tỷ đồng, Đại Tín hạch toán là khoản dư nợ vay của Phương Trang và đến nay không thu hồi được, nay thành gây thiệt hại Ngân hàng Xây Dựng.
Từ các lập luận trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn 20 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm”, 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái”, tổng hợp hình phạt 30 năm tù. Tổng hợp với bản án 17 năm tù trước đó của TAND Cấp cao tại Hà Nội, bị cáo Hứa Thị Phấn phải chấp hành án 30 năm tù.
Ngoài ra, bị cáo còn phải bồi thường hơn 16.000 tỷ đồng (nợ gốc và lãi phát sinh) cho Ngân hàng Xây Dựng. Các bị cáo còn lại làm theo chỉ đạo của bà Phấn, không hưởng lợi nên không phải bồi thường. Bị cáo Bùi Thị Kim Loan (thư ký của Hứa Thị Phấn, người mang con mới sinh đến phòng xét xử) lĩnh án 13 năm tù tội “Lạm dụng tín nhiệm”, 15 năm tù tội “Cố ý làm trái”, tổng hợp là 28 năm tù.
Bị cáo Trần Sơn Nam (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Tín) lĩnh 6 năm tù. Bị cáo Ngô Kim Huệ (Phó Tổng Giám đốc Đại Tín) lĩnh 7 năm tù tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù tội “Cố ý làm trái”, tổng hợp là 10 năm tù. Các bị cáo còn lại nhận từ 2 năm tù treo đến 10 năm tù giam.
Về phía Công ty Phương Trang, phải trả cho Ngân hàng Xây Dựng hơn 3.900 tỷ nợ gốc và 2.500 tỷ lãi phát sinh. 36 bất động sản của Phương Trang được giao cho Ngân hàng Xây Dựng quản lý và sẽ được nhận lại khi trả xong nợ.
Theo Infonet