Tháng 8 năm nay không chỉ là tháng 8 nóng nhất mà các nhà khoa học từng ghi nhận mà còn là tháng nóng thứ hai đo được, chỉ sau tháng 7 vừa qua, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và cơ quan khí hậu châu Âu Copernicus công bố hôm thứ Tư.
Cụ thể, nhiệt độ tháng 8 vừa qua cao hơn khoảng 1,5 độ C so với mức trung bình thời tiền công nghiệp.
Cả WMO và Copernicus cho biết, các đại dương trên thế giới là nơi nóng nhất từng được ghi nhận, với gần 21 độ C và đã thiết lập các mốc nhiệt độ cao trong 3 tháng liên tiếp.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thậm chí còn tuyên bố sự biến đổi khí hậu đã bắt đầu.
Theo tổ chức Copernicus, cho đến nay, 2023 là năm nóng thứ hai được ghi nhận, sau năm 2016.
Các nhà khoa học cho rằng việc con người lạm dụng than đá, dầu và khí đốt tự nhiên là nguyên nhân thúc đẩy nhiệt độ toàn cầu, cộng với sự xuất hiện của hiện tượng El Nino.
Giáo sư Andrew Weaver từ Đại học Victoria ở Canada, cho biết những con số do WMO và Copernicus công bố không có gì đáng ngạc nhiên, đồng thời than phiền rằng các chính phủ dường như chưa xem xét vấn đề nóng lên toàn cầu một cách nghiêm túc. Ông bày tỏ lo ngại rằng công chúng sẽ quên vấn đề này khi nhiệt độ giảm trở lại.
Các nhà khoa học đã sử dụng các vòng cây, lõi băng để ước tính rằng nhiệt độ hiện nay ấm hơn so với khoảng 120.000 năm trước. Thế giới trước đây đã ấm hơn, nhưng đó là trước nền văn minh của loài người, khi mực nước biển cao hơn nhiều và các cực không có băng giá.
WMO cho biết trong khi không khí và đại dương trên thế giới đang lập kỷ lục về nhiệt độ thì Nam Cực tiếp tục lập kỷ lục về lượng băng biển thấp.
Ông Petteri Taalas - Tổng thư ký WMO, cho biết: “Phạm vi băng biển ở Nam Cực thực sự nằm ngoài bảng xếp hạng và nhiệt độ mặt nước biển toàn cầu một lần nữa đạt kỷ lục mới. Đáng chú ý là điều này xảy ra trước khi chúng ta thấy toàn bộ tác động nóng lên của sự kiện El Nino, thường diễn ra vào năm thứ hai sau khi nó phát triển".