Họ đa phần đều trẻ, tràn đầy nhiệt huyết và luôn ở trong tâm thế sẵng sàng để giúp đỡ ngư dân gặp nạn qua cơn hiểm nghèo.
Đôi miền kỷ niệm
Qua những lần trò chuyện với các y, bác sĩ này, một mẫu số chung, là dù có người đi ít, có người nhiều và tất nhiên, là trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có riêng những kỷ niệm trong những chuyến hải trình cứu ngư dân trên sóng dữ. Nguyễn Đăng Hà, 30 tuổi (quê Hưng Yên) cho biết anh vào công tác ở Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng tầm cuối tháng 10/2009, với công việc là chuyên viên cấp cứu, không lâu sau đó, anh có chuyến biển cứu ngư dân đầu tiên.
Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng. (Ảnh: Vĩnh Sơn) |
Suốt chuyến đi ấy, thấy mình miễn nhiễm với say sóng, anh mừng rơn. “Nhưng đến khi tàu về cập cảng, rời khỏi tàu lên bờ, mình mới bắt đầu… say sóng. Anh em nói nôm na, đó là say sóng bờ, còn ngư dân, gọi là say sóng đất. Nên nhiều khi, nói cho vui, chứ khi đưa ngư dân gặp nạn vào đất liền, mình chẳng dám… lên bờ” - Hà hài hước.
Nhưng ký ức đầy sóng gió nhất mà anh nhớ cho đến bây giờ, là chuyến biển cứu ngư dân cách đây khoảng 2 năm, tại vùng biển của Philippines. Khi ấy, Trung tâm nhận đề nghị giúp đỡ đi cấp cứu ngư dân quê ở Khánh Hòa bị rối loạn tiêu hóa. Vài phút sau, Hà là một trong số các y, bác sĩ vượt sóng trong thời tiết biển động cấp 8, cấp 9. Sau hàng giờ chống chọi sóng dữ, được sự cho phép của nước bạn, tàu cứu nạn của ta vào vùng biển của Philippines và nhanh chóng đến được vị trí tàu cá có ngư dân đang gặp nạn. Tuy nhiên, do biển động dữ dội, nên phải mất gần 3 tiếng đồng hồ sau, lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được tàu cá. Và theo kế hoạch thông thường, ngư dân được cứu nạn sẽ đưa về Đà Nẵng, tuy nhiên, tình trạng của ngư dân này quá khẩn cấp và thời tiết thì ngày càng trở bất lợi, nên phải đưa vào cảng Quy Nhơn (Bình Định) để tiếp tục được hỗ trợ y tế. Và cũng như những lần khác, anh Hà phải căng mình lên để chống chọi với cơn say sóng bờ.
Cứu người trên biển, những gì khắc sâu vào ký ức thường gắn với những hoàn cảnh ngoặt nghèo. Song, trong những chuyến hải trình, những người khoác ao blouse đôi khi bắt gặp những hoạt cảnh mà chỉ nghĩ có trong mơ hay qua những trang báo, thước phim. Y sĩ Lê Đức Minh Quy, 38 tuổi (quê Đà Nẵng) nhớ lại: “Cách đây không lâu, trong chuyến biển cấp cứu ngư dân trong điều kiện sóng êm biển lặng hiếm hoi, anh em y, bác sĩ và thủy thủ đoàn vô cùng sung sướng khi được thấy cá chuồn tung cánh bay. Nhưng “đã” nhất, là thấy bầy cá heo nhảy như làm xiếc, rồi bơi theo tàu cứu nạn suốt. Chuyến hải trình hôm ấy, như được rút ngắn khá nhiều”.
Nặng lòng với ngư dân
Trong số các y, bác sĩ ở Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, thì nữ bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc trung tâm, là người có thâm niên vượt sóng cứu ngư dân nhiều nhất với hơn 10 năm. Cho đến bây giờ, chị không nhớ chính xác mình đã có bao nhiêu chuyến đi biển. Bắt đầu từ sát cánh cùng tàu của Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, tiếp đến và bây giờ là tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II (Danang MRCC).
Các y, bác sĩ của Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng tham gia cấp cứu ngư dân trên biển |
Trong những chuyến biển ấy, có khi vừa nôn vừa… cấp cứu; hoặc trở về nhìn mặt con đầy lo lắng, chị thầm nghĩ sẽ không đi nữa. Vậy mà ngày sau, có cuộc gọi cần trợ giúp, là chị tức tốc lên đường. Vì vậy, bên cạnh trực tiếp cấp cứu trên biển, chị còn hướng dẫn sơ cứu cho ngư dân qua các phương tiện liên lạc. Và gần đây nhất, là chị đề xuất Sở Y tế Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí, tổ chức các lớp dạy sơ cấp cứu cho ngư dân thông qua chương trình “Tiếp sức cho ngư dân ra khơi”. Bởi theo chị, kiến thức cũng như trang thiết bị y tế cơ bản về cấp cứu trên biển khá quan trọng, nó giúp người gặp nạn tạm qua hiểm nguy trong khi chờ lực lượng cứu hộ tới.
Còn bác sĩ Trần Quốc Tuấn, 34 tuổi (quê Quảng Nam) thì tâm sự rằng, phần nhiều ngư dân gặp nạn trong các lần Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng thực hiện, thường là ngư dân Quảng Nam. “Những lần ấy, nhìn khuôn mặt tiều tụy đến khắc khổ của ngư dân gặp nạn, mà lòng mình thương lắm. Là tâm sự vậy, chứ công việc cấp cứu trên biển, thì ngư dân nào, ở đâu, bọn mình cũng đều dốc hết sức để níu họ thoát cửa tử thần” - Tuấn chia sẻ.
Nhiệm vụ chưa được… phân công
Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng Trần Công Thông cho biết, trong phân công chức nặng nhiệm vụ của trung tâm từ cấp trên, việc cấp cứu trên biển là chưa được phân công. “Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế của địa phương cũng như yêu cầu phối hợp của thành phố, tính đến lúc này, đã có khoảng 20 y, bác sĩ của trung tâm tham gia cứu nạn trên biển” - ông Thông cho hay. Vì chưa có sự phân công, nên các chuyến đi biển cấp cứu của các y - bác sĩ ở trung tâm này hơn chục năm qua không được hưởng bất cứ chế độ nào.
Hiện tại, theo ông Thông, trung tâm và các bên liên quan đang xây dựng quy chế phối hợp, trong đó có đề cập đến chế độ, quyền lợi của y - bác sĩ tham gia cấp cứu trên biển.