Bệnh trở nặng sau cơn ho, sốt nhẹ
Theo lời kể của bố bệnh nhi, ban đầu cháu bé chỉ xuất hiện những biểu hiện đơn giản như ho húng hắng và sốt nhẹ. Sau vài ngày uống thuốc và tự theo dõi con tại nhà, gia đình nhận thấy tình trạng sức khỏe của bé Lee không thuyên giảm mà còn diễn biến xấu hơn. Cháu ho với tần suất dày hơn, tiếng ho nặng, khó thở và nôn nhiều. Gia đình vội đưa con đến BV.
Ngày 26/05, nhận thấy cháu Lee có dấu hiệu suy hô hấp nặng, các bác sĩ ở đây cho cháu thở oxy, đặt nội khí quản rồi cấp tốc chuyển bệnh nhi sang điều trị tại BV Nhi Trung ương.
TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi Trung ương cho biết, khi nhập viện, tính mạng của bé Lee đã rất nguy kịch. Bé phải thở máy. Phim chụp X-quang cho thấy phổi phải mờ, tràn dịch màng phổi. Nội soi phế quản phát hiện toàn bộ cây phế quản, đặc biệt là nửa nằm ở phổi bên phải, bị viêm và bít tắc nặng nề. Các bác sĩ đã tiến hành rửa phế quản, loại bỏ bít tắc rồi tiếp tục cho bé thở máy, song tình trạng bệnh vẫn không cải thiện.
"Điều đáng lo ngại là ngay cả khi được thở máy thở cao tần, hàm lượng khí CO2 trong máu của bệnh nhi vẫn tiếp tục tăng rất cao gây toan hô hấp nặng. Bé Lee sau đó đã rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, phải sử dụng các thuốc trợ tim liều cao. Sau hai ngày tích cực can thiệp theo hướng này, diễn biến bệnh vẫn tiếp tục xấu đi. Bé Lee rơi vào tình trạng suy đa phủ tạng: suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan, suy thận"- TS. Tuấn cho hay.
Do bệnh nhi không đáp ứng với tất cả các biện pháp can thiệp thông thường, 4 giờ sáng ngày 28/05, các bác sĩ đã hội chẩn và đưa ra chỉ định sử dụng màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO) cho bé Lee. Đây gần như là giải pháp cuối cùng cho các bệnh nhi suy hô hấp, suy tuần hoàn, không đáp ứng với các phương pháp điều trị hồi sức thông lệ.
ECMO cứu sống bệnh nhi ngoạn mục
Nhóm thực hiện ECMO gồm các bác sĩ ngoại tim mạch và bác sĩ hồi sức, đã phối hợp rất nhịp nhàng. TS. Tuấn nhớ lại: “Khi các bác sĩ ngoại tim mạch đặt catheter ECMO, bệnh nhân xuất hiện nhiều đợt tim chậm và ngừng tim. Ngay lập lức, nhóm bác sĩ hồi sức tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn để hỗ trợ các đồng nghiệp tiếp tục kết nối ECMO an toàn cho người bệnh”.
Sau 6 ngày chạy ECMO, tình trạng phổi của cháu bé bắt đầu cải thiện, huyết động ổn định. Ngày 2/6, bé Lee được cai máy ECMO. Tuy nhiên, thời điểm đó một số tạng của bệnh nhân vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, thận vẫn chưa có nước tiểu. Vì thế, cháu bé vẫn phải thở máy và tiếp tục lọc máu. Sau 10 ngày cháu bé rút được máy thở, cai lọc máu. Ngày 10/06, bệnh nhi cai được oxy, tinh thần của bé tỉnh. Hiện cháu vẫn đang được chăm sóc tại khoa Hồi sức cấp cứu.
Những khó khăn nguy hiểm lớn nhất đã qua đi. Bé Lee đã tự thở, sức khỏe tiến triển tốt. Ngày bé trở lại trong vòng tay chăm sóc của gia đình cũng là ngày gánh nặng trong lòng những người thầy thuốc bắt đầu vợi bớt.
BS. Nguyễn Văn Thắng, người trực tiếp nhận trường hợp của bé Lee bộc bạch: Ngay từ lúc nhập viện và suốt thời gian sau đó, tình trạng sức khỏe của bé Lee liên tục diễn biến xấu đi, khiến tinh thần của các thầy thuốc căng như dây đàn. 18 ngày dài đằng đẵng - khoảng thời gian bé Lee kẹt giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết cũng là những ngày đội ngũ thầy thuốc BV Nhi Trung ương căng mình chiến đấu với tử thần.
Hồi tưởng lại những ngày đã qua, anh Park - bố cháu bé vẫn chưa hết bàng hoàng. Căng thẳng và lo sợ kìm nén suốt gần 3 tuần đồng hành cùng các bác sĩ BV Nhi Trung ương trong cuộc chiến giành lại sự sống cho cậu con trai bệnh nặng, cuối cùng đã được trút bỏ. “18 ngày con nằm trong buồng cách ly là chuỗi ngày nặng nề nhất đời tôi. Nhờ các thầy thuốc Việt, con trai bé bỏng của tôi đã được ra khỏi phòng cách ly, được trở lại vòng tay chăm sóc của gia đình” – ông bố xúc động chia sẻ.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống