Một thời gian dài, rác vẫn cứ mặc nhiên dồn về cho hai “đại gia” rác với khối lượng vượt công suất thiết kế. Những người có trách nhiệm của thành phố trong lĩnh vực xử lý rác cứ vờ như không hề hay biết, vờ như ngân sách thành phố chỉ là tiền đóng thuế của dân?
Núi rác ở nhà máy Vietstar |
Mệt mỏi và bất lực
Chúng tôi đã từng nghe nhiều người dân nói về ô nhiễm môi trường xung quanh các nhà máy xử lý rác, đã từng chứng kiến những bức xúc về môi trường của những thành viên thuộc Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM. Nhưng chưa thấy nơi nào người dân bức xúc như những con người sống chung quanh Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM).
Một người dân ở xã Thái Mỹ nói với chúng tôi, vì quá sợ hãi và lo lắng cho sức khỏe mà nhiều năm nay nhiều người sống quanh khu vực có nhà máy xử lý rác không dám dùng nước giếng khoan vì nước có mùi hôi. Thậm chí nước giếng sau khi lọc vẫn tanh hôi, phải đem nước đun sôi rồi mới dám tắm vì nếu không sẽ bị ngứa, nổi mẩn đỏ trên da.
Ô nhiễm mùi hôi từ rác và tình trạng ruồi nhặng bu đầy mâm cơm gia đình suốt hơn 10 năm qua là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho các hộ dân sống chung quanh bãi rác. Người dân oán thán kêu than rất nhiều lần, báo chí lên tiếng phản ánh nhiều lần nhưng cơ quan chức năng vẫn im hơi lặng tiếng. Điều buồn nhất là người dân cho biết họ lại được vận động đừng lên tiếng vì lý do nếu không có hai công ty xử lý rác này thì thành phố không còn công ty khác về xử lý rác nữa. Người dân chịu đựng, bất lực kêu than còn rác cứ thế mà đem điều phiền toái ngày một nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và sức khỏe của họ.
Rác đầy kho nhưng Vietstar không xử lý. |
Ghi nhận của nhóm phóng viên Ngày Nay, hàng trăm ngàn tấn rác lộ thiên được tập kết chỉ được phủ bạt đen chất cao như những quả đồi rộng khắp một vùng. Cuộc sống của các hộ dân cận kề bãi rác luôn chịu ảnh hưởng bởi mùi hôi thối bốc lên từ bãi rác.
Chị T. sống cạnh bãi rác gần 20 năm qua chia sẻ: “Cách đây vài năm, nhiều người dân phải bỏ đi nơi khác sinh sống vì quá hôi thối. Theo từng cơn gió, mùi hôi thối của bãi rác sẽ ập đến và các hộ dân lãnh đủ”.
Theo chị T., trước đây có khoảng trăm hộ dân sinh sống ở khu vực gần bãi rác nhưng nay chỉ còn hơn 30 hộ. Do nhiều người không chịu nổi mùi hôi đã tự dắt díu nhau đến nơi khác để tìm cuộc sống trong lành hơn. Nguồn nước ô nhiễm, người dân phải kêu trời vì không thể sử dụng.
Sau đó, cơ quan chức năng của địa phương đã cung cấp cho các hộ dân những bồn chứa lên đến 10.000 m2 để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Những lúc hết nước, người dân gọi cho công ty cấp nước đến tiếp nước sạch vào bồn.
Sống cạnh bãi rác, các hộ dân còn phải chịu cảnh quy hoạch treo. Mảnh đất khoảng 3 sào phía sau nhà chị T. được quy hoạch trồng cây xanh bao quanh bãi rác, nhưng mười mấy năm qua vẫn chưa được triển khai. Chỉ tay vào căn nhà cấp 4 xập xệ, chị T. nói muốn sửa chữa hay xây dựng lại nhà cho khang trang cũng không được do đất vướng quy hoạch.
Gia đình chị T. cũng tính đường chuyển đi nhưng điều kiện kinh tế không cho phép đành bám víu lại nơi mảnh đất này. Nói là quy hoạch nhưng đến nay vẫn còn dậm chân tại chỗ, chưa biết đến khi nào dự án mới được triển khai để đền bù cho người dân sẽ mất đất để trồng cây xanh.
Mặt sau nhà máy Tâm Sinh Nghĩa đầy rác. |
Trong bán kính khoảng 5km, nhiều người dân cũng bị ảnh hưởng bởi mùi rác hôi thối theo hướng gió. Xe tải vào bãi rác chạy theo đường Tỉnh lộ 8 trước đây không che chắn, chạy ẩu nên làm nước thải, rác thải rơi vãi trên đường, thậm chí bắn cả vào nhà dân bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Chị N., một người dân sống trên đường Tỉnh lộ 8 (ấp Tam Tân, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) nhớ lại, những lúc xe rác ôm cua, nước từ xe đổ tràn ra mặt đường. Người dân phải chịu đựng mùi nước thải bốc ra ập vào mặt. Quá bức xúc, các hộ dân đã trình báo lên cơ quan chức năng và sự việc đã được giải quyết.
Chị Nga cho biết, dù rác được xử lý như thế nào đi nữa, nhưng các hộ dân vẫn luôn bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối. Sau khi người dân nhiều lần phản ánh, tình trạng này đã giảm lại, công nhân cũng để xô dưới xe để hứng nước thải nhưng thỉnh thoảng vẫn có xe làm rơi vãi nước thải ra đường.
Ai đã bất chấp?
Trước sức ép từ Bộ TNMT và chỉ đạo từ UBND TP.HCM, thời gian gần đây Sở TNMT TP.HCM đã có động thái “tích cực” là yêu cầu hai “đại gia” rác phải đảm vảo mỗi ngày mỗi đơn vị phải vận chuyển 600 tấn rác đến bãi chôn lấp dự phòng ở Phước Hiệp nhằm giải phóng núi rác dàn núi rác dồn đống phía sau nhà máy của hai “đại gia” rác gây bức bối lâu nay trong lòng người dân. Nếu không chuyển đủ số lượng thì sẽ không nghiệm thu thanh toán số lượng rác thiếu hụt không chuyển đủ. Theo đánh giá của một chuyên gia giám sát vận hành hệ thống xử lý rác, nếu mỗi ngày hai “đại gia” rác vận chuyển đủ 1.200 tấn rác tới bãi dự phòng thì có lẽ phải mất thời gian đến 12 tháng mới có thể giải phóng được núi rác tồn lưu khổng lồ, nhưng đó cũng chỉ là tính toán trên lý thuyết.
Kho bãi phía sau nhà máy Tâm Sinh Nghĩa. |
Thực tế vận hành, bình quân mỗi ngày mỗi nhà máy xử lý rác dôi dư thêm từ 200-300 tấn rác thì mỗi “đại gia” rác cứ chuyển đi 600 tấn lại có một khối lượng rác như thế dôi dư tồn lưu. Trong khi đó, lãnh đạo Sở TNMT TP.HCM không có một biện pháp nào để cứu lấy môi trường mà còn bồi thêm rác để góp phần tàn phá môi trường, mặc kệ dân oán thán kêu than, mặc kệ Bộ TNMT thúc ép và chỉ đạo của UBND TP.HCM tại văn bản số 370/UBND-ĐT ngày 3/2/2021 là phải phối hợp với các cơ quan chức năng để tìm cách giải quyết tình trạng này.
Ngày 17/11/2021, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ (phó giám đốc Sở TNMT TP.HCM) đã ký công văn số 7668/STNMT-CTR về việc “điều phối khối lượng chất thải rắn sinh hoạt về các cơ sở xử lý chất thải trên địa bàn TP.HCM”. Theo đó, Sở TNMT TP.HCM đã phân bổ lượng rác giai đoạn từ nay đến 31/12/2021 cho nhà máy xử lý của Công ty cổ phần Vietstar ở Khu liên hợp Xử lý chât thải rắn Tây Bắc với khối lượng 1.800 tấn rác/ngày, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa là 1.400 tấn/ngày; Giai đoạn từ 1/1/2022 trở đi khối lượng rác phân bổ vẫn đảm bảo đủ số lượng như thế, thòng thêm dao động +5% so với khối lượng tiếp nhận của nhà máy do không thể điều phối khối lượng chính xác rác cho các nhà máy.
Vậy thì những gì Bộ TNMT thúc ép đề nghị đối với UBND TP.HCM cũng bó tay, chỉ đạo của phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cũng bất lực hay sao? Hay cũng chỉ cho có để làm?
Luật sư Hà Hải – trưởng Văn phòng Luật sư Hà Hải và Cộng sự - cho rằng doanh nghiệp xử lý chất thải để rác tồn đọng nhiều năm, trong đó sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề vi phạm. Mức xử phạt hành chính cao nhất đến 160 triệu đồng đối với hành vi không có giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường hoặc phương án xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận theo quy định. Hình phạt bổ sung có thể đình chỉ hoạt động của cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường từ 3-6 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm đ khoản 7, điểm g khoản 8, các khoản 9, 10 và 11 điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 9, 10 và 11 điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp xử lý chất thải tùy theo hành vi vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội gây ô nhiễm môi trường” theo điều 235, “tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại” theo điều 236 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.