Bài kiểm tra cho chiến lược 'Nam toàn cầu' của Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tại hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima tới đây, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio muốn thúc đẩy tầm quan trọng của chiến lược "Nam toàn cầu" trong duy trì trật tự quốc tế.
Bài kiểm tra cho chiến lược 'Nam toàn cầu' của Nhật Bản

Hai mươi tháng sau nhiệm kỳ Thủ tướng Nhật Bản, ông Kishida đã phải chứng kiến tỷ lệ tín nhiệm thấp, những vụ bê bối trong nội các và một vụ ném bom nhắm vào mình. Nhưng khi bước vào căn phòng có gần chục phụ tá vây quanh, ở ông Kishida toát ra một vẻ tự tin mà ông đã đánh mất trong năm đầu tiên nhậm chức.

Sau sự thành công của Đảng Dân chủ Tự do trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 4, xếp hạng tín nhiệm của ông Kishida đã tăng gần 20% kể từ tháng 12 và hiện ở mức 52%.

Hội nghị thượng đỉnh G7 là một cơ hội mới để ông Kishida tỏa sáng, bắt đầu vào ngày 19/5 tại quê nhà Hiroshima của ông Kishida.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất tại Tokyo, ông Kishida tỏ ra tự tin khi trao đổi với phóng viên và hiếm khi nhìn vào giấy.

Nhưng khi được đặt câu hỏi về vấn đề Đài Loan, đột nhiên ông Kishida quay sang tập giấy của mình, cẩn thận đọc từ một tài liệu đã chuẩn bị sẵn, trái ngược hoàn toàn với phong thái tự do lúc trước.

Ông Kishida trả lời: “Hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan là rất quan trọng không chỉ đối với đất nước chúng ta mà còn đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế. Lập trường của chúng ta vẫn luôn là vấn đề Đài Loan được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại và tôi tin rằng G-7 thống nhất về vấn đề này".

Sự thay đổi trong thái độ của ông Kishida khi nói về Đài Loan minh họa một cách rõ ràng việc chính phủ Nhật Bản vẫn cẩn thận như thế nào trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ngay cả khi ông Kishida lãnh đạo đất nước của mình thoát khỏi bảy thập kỷ chủ nghĩa hòa bình chính thức và hướng tới một chính sách ngăn chặn những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng, ông vẫn hết sức thận trọng.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là khán giả duy nhất cho những nhận xét của Kishida về Đài Loan.

Mối quan hệ xuyên eo biển cũng có thể là một trong những vấn đề gai góc nhất trong một loạt các vấn đề gây tranh cãi mà các nhà lãnh đạo G7 sẽ đối mặt tại cuộc họp của họ ở Hiroshima. Nhật Bản đã đi đầu trong nỗ lực đưa vấn đề Đài Loan vào các tuyên bố trước đây của G7, chẳng hạn như Hội nghị thượng đỉnh Cornwall năm 2021, trong đó lưu ý rằng các nhà lãnh đạo nhấn mạnh "tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan".

Việc đưa Đài Loan vào tuyên bố năm 2021 là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo G7 thừa nhận vấn đề này "tương đương với các vấn đề quốc tế quan tâm", một quan chức Nhật Bản nhận định.

Lần này, Nhật Bản sẽ đẩy vấn đề đi xa hơn nữa. Giống như câu trả lời trên của ông Kishida, tuyên bố của 7 nhà lãnh đạo dự kiến sẽ khẳng định rằng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan là rất quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng trong "cộng đồng quốc tế".

Lập trường của Nhật Bản đối với Đài Loan đã được cân nhắc cẩn thận trong nỗ lực thuyết phục G7 ủng hộ hòn đảo này. Người ta từng nhướn mày khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 4 nói với trang tin Politico rằng châu Âu nên tránh để "bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta", ám chỉ vấn đề Đài Loan.

Tuy nhiên, cùng tháng đó, các ngoại trưởng G7 đã đồng ý với công thức của chính quyền Tokyo rằng vấn đề Đài Loan là "không thể thiếu" đối với "cộng đồng quốc tế".

Trong một nỗ lực để phối hợp các quan điểm, hoặc có lẽ để trấn an các nước chủ nhà rằng Pháp cam kết duy trì hiện trạng ở eo biển Đài Loan, Nhật Bản và Pháp đã tổ chức một cuộc họp 2+2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng vào ngày 9/5, chỉ 10 ngày trước hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo G7 diễn ra.

Ngoại giao "hiện thực"

Trước khi trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2021, ông Kishida từng là Ngoại trửng tại vị lâu nhất của Nhật Bản thời hậu chiến, giữ chức vụ này từ năm 2012 đến năm 2017. Ông đã đến thăm 51 quốc gia và khu vực, tổ chức 837 cuộc gặp với các quan chức nước ngoài trong thời gian đó.

Với tư cách là Thủ tướng, ông Kishida đã thực hiện một sự thay đổi mang tính quyết định trong chính sách đối ngoại, một dấu ấn trong nhiệm kỳ của ông, thúc đẩy cái mà ông gọi là "ngoại giao chủ nghĩa hiện thực cho một kỷ nguyên mới" nhằm chống lại Trung Quốc và Nga một cách mạnh mẽ ở những nơi xa xôi như châu Phi.

Đầu tháng này, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã thực hiện chuyến công du tới "lục địa đen" và cam kết viện trợ 500 triệu USD để hỗ trợ hòa bình và ổn định ở châu Phi trong 3 năm tới.

Ông Kishida nói về sự cần thiết phải mở rộng quan hệ đối tác vượt ra ngoài câu lạc bộ nhỏ gồm các nền dân chủ giàu có sang một nhóm các nền kinh tế đang phát triển, hay còn được gọi là "Nam toàn cầu", nơi ông tin rằng G7 phải "truyền bá sự ủng hộ rộng rãi cho một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền".

"Không được phép đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở bất cứ đâu trên thế giới", ông Kishida tuyên bố. "Tôi vừa đến châu Phi và tôi tin rằng các quốc gia châu Phi sẽ đồng ý với mình".

Về cuộc xung đột Nga-Ukraine, Nhật Bản đã tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, trong khi vào tháng 3, ông Kishida đã đến thăm Kyiv để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, một động thái được một số nước coi là lời quở trách trực tiếp đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã tới Moscow và gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng thời.

Ông Kishida cũng đã giám sát tiến trình "làm ấm" quan hệ Nhật Bản với Hàn Quốc. Ngày 7/5, ông đến thăm Seoul để hội kiến với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, nối lại các chuyến thăm song phương chính thức giữa hai nước sau 12 năm gián đoạn. Trước đó hai tháng, ông Kishida đã đón Tổng thống Hàn Quốc tới thăm Tokyo.

Động thái này nhằm đưa mối quan hệ song phương "sang trang mới" sau hàng thập kỷ chìm trong "sương mù lịch sử". Tại cuộc họp hồi tháng 5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết hai người đã đánh dấu "một bước khởi đầu mới cho quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản".

Chính sách ngoại giao mạnh mẽ của ông Kishida đã đặt ra một tiền lệ mới cho Nhật Bản, quốc gia trong phần lớn thời kỳ hậu chiến đã hài lòng với việc trở thành người theo sau hơn là người đi đầu trong các vấn đề an ninh.

Điều đó đang dần thay đổi và G7 có thể sẽ cho thấy cách tiếp cận mới, rõ ràng của Tokyo đối với quan hệ đối ngoại. "Tôi muốn Nhật Bản đóng góp lớn cho hòa bình và ổn định của khu vực, trước hết là thông qua ngoại giao", ông Kishida nói. "Nhưng cả ngoại giao lẫn ngôn ngữ ngoại giao đều không thể thuyết phục trừ khi chúng được hỗ trợ bởi khả năng bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân Nhật Bản".

Việc chuyển sang "chủ nghĩa hiện thực", một chính sách đối ngoại dựa trên cân bằng quyền lực hơn là cam kết với lý tưởng, diễn ra khi chính phủ của Kishida có kế hoạch tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng. Ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ tăng lên 8,9 nghìn tỷ yên vào năm 2027, tăng 65% so với năm ngoái.

Khi các hạng mục như ngân sách cho cảnh sát biển hoặc cơ sở hạ tầng được phân bổ cho các cơ quan khác nhau mới được đưa vào tính toán, tổng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản sẽ lên tới 11 nghìn tỷ yên vào năm 2027, chiếm khoảng 2% GDP.

Đây là một sự khác biệt lớn so với mục tiêu lâu nay của Nhật Bản là giữ chi tiêu quốc phòng ở mức dưới 1%. Đầu năm nay, Nhật Bản tuyên bố mua 400 tên lửa hành trình Tomahawk từ Mỹ để tăng cường khả năng răn đe trước các cuộc tấn công.

Kể từ khi Nga đưa quân sang Ukraine vào tháng 2 năm 2022, ông Kishida ngày càng thích câu nói: "Ukraine có thể là Đông Á của ngày mai".

Thật vậy, Nhật Bản có thể là quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất trước sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc, những quốc gia bị ngăn cách với Nhật Bản bởi những vùng biển hẹp, cả hai đều có căng thẳng lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ với chính quyền Tokyo.

"Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang thay đổi nhanh chóng. Và nó ngày càng trở nên phức tạp hơn", ông Kishida trả lời phỏng vấn. Triều Tiên đang phóng tên lửa với tần suất chưa từng thấy, trong khi ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, "những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng cũng đã được thực hiện bằng vũ lực".

"Nga cũng đang tích cực tham gia các hoạt động quân sự ở châu Á. Trung Quốc và Nga đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung", ông Kishida cho biết.

Phát biểu tại Đại học Keio của Tokyo vào tháng 2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ ra rằng Nga và Trung Quốc đang trở nên thân thiết hơn. Ông Stoltenberg nói thêm, ngay trước cuộc xung đột tại Ukraine, Trung Quốc đã ủng hộ yêu cầu của Nga rằng NATO đóng cửa với các quốc gia thành viên mới.

“An ninh không phải là khu vực, an ninh là toàn cầu và an ninh được kết nối với nhau”, ông Stoltenberg tuyên bố, đồng thời lưu ý rằng điều quan trọng là phải hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Để đạt được mục tiêu đó, NATO đang chuẩn bị mở văn phòng liên lạc tại Tokyo.

Về phần mình, Nhật Bản hy vọng rằng một văn phòng liên lạc có thể giúp nâng cao nhận thức trong NATO về Đài Loan. Giống như Nhật Bản đã tham gia các biện pháp trừng phạt Nga đối với Ukraine, một cuộc xung đột nằm cách xa sân sau của họ, Nhật Bản cũng muốn các tín hiệu tương tự từ các nước giàu nhất châu Âu rằng Đài Loan cũng quan trọng đối với họ.

Điểm kết dính

Vị thế an ninh mới của Nhật Bản dưới thời ông Kishida đã vấp phải sự phản đối trong nước, chủ nghĩa hòa bình chính thức đã được ghi trong hiến pháp Nhật Bản trong nhiều thập kỷ.

Trong khi cách tiếp cận mới, tích cực hơn đã khiến các quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc, nơi di sản của Thế chiến II tiếp tục gây nhức nhối, phải "liên tục nhướng mày".

"Con đường của Nhật Bản với tư cách là một quốc gia yêu chuộng hòa bình sẽ không thay đổi", ông Kishida khẳng định trên truyền thông.

Việc lựa chọn Hiroshima, quê hương của gia đình ông Kishida và là mục tiêu của vụ đánh bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, làm hội nghị thượng đỉnh G7 nhằm củng cố thông điệp này rằng Nhật Bản sẽ không từ bỏ bản sắc hòa bình thời hậu chiến.

“Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, tôi nghĩ điều quan trọng là phải truyền tải một thông điệp rõ ràng về giải trừ hạt nhân”, ông Kishida nói. "Điều quan trọng là phải mời các nhà lãnh đạo thế giới và những người trẻ tuổi đến địa điểm xảy ra vụ đánh bom nguyên tử và cho họ thấy hậu quả của sự hủy diệt".

Bài kiểm tra cho chiến lược 'Nam toàn cầu' của Nhật Bản ảnh 1

Ông Kishida, phải, khi đó là Ngoại trưởng Nhật Bản năm 2016, đã đưa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Abe Shinzo đi tham quan hiện trường vụ ném bom hạt nhân tại Hiroshima. Ảnh: Kyodo

Trong khi Mỹ và Nhật Bản ngày nay đồng quan điểm về nhiều vấn đề, Tokyo không hoàn toàn thoải mái với cách chính quyền của Tổng thống Joe Biden phân loại cuộc đấu tranh toàn cầu thành chế độ dân chủ so với chế độ chuyên quyền.

Thay vào đó, Nhật Bản nhìn thấy một ranh giới phân chia giữa những bên muốn bảo vệ trật tự quốc tế hiện có và những bên, như Trung Quốc và Nga, muốn xây dựng một trật tự mới.

Sự chú ý của chính quyền Kishida đối với "Nam bán cầu" là một phần quan trọng trong chiến lược củng cố sự ủng hộ của các nước trong khu vực này. Nhiều nước đang phát triển trong nhóm tìm cách duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc và Nga. Chẳng hạn, Ấn Độ tiếp tục mua dầu từ Nga, trong khi Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã tới Bắc Kinh cùng một phái đoàn đông đảo vào tháng 4, để củng cố quan hệ với Trung Quốc.

Trong khi đó, nhiều nước đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ lệnh trừng phạt của G7 đối với Nga khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao.

Ông Kishida đã tự chọn mình làm đặc phái viên cho nhóm các quốc gia bất mãn này nhằm củng cố mối quan hệ với Nam bán cầu và đã mời các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Indonesia, Brazil và đảo quốc Comoros châu Phi đến dự hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima.

Động thái này phù hợp với tầm nhìn của Mỹ về một "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở", một khu vực mà Mỹ hy vọng sẽ tạo ra các thị trường mới để giảm sự phụ thuộc kinh tế toàn cầu vào Trung Quốc. Ý tưởng ban đầu lấy cảm hứng từ một kế hoạch cùng tên của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.

Ông Kishida cho biết khái niệm về một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ "sẽ gây được tiếng vang với các quốc gia ở châu Á và châu Phi", lưu ý rằng một hệ thống như vậy "được thiết kế để bảo vệ các quốc gia nhỏ và ở thế yếu".

Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố rằng G7, chứ không phải Trung Quốc hay Nga, sẽ đứng về phía các nước nhỏ. Ông ủng hộ một thế giới nơi các quốc gia nhỏ có thể thịnh vượng theo "cách tiếp cận tôn trọng sự đa dạng", đồng thời nói thêm: "Chủ nghĩa độc tài đang giành quyền lực. Nhưng một quốc gia không bao giờ được phép áp đặt hệ thống chính trị của mình lên người khác".

Ngoài ra, ông Kishida muốn hướng sự tập trung vào khu vực Đông Nam Á. Nhật Bản sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào cuối năm nay để kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị Nhật Bản-ASEAN.

Nhà lãnh đạo 65 tuổi đã thực hiện 4 chuyến công du tới khu vực này vào năm 2022, bao gồm tới đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia để dự hội nghị thượng đỉnh G20 và tới Bangkok để dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Ông đã tổ chức các cuộc đàm phán song phương với một số nhà lãnh đạo trong khu vực, bao gồm cả Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người mà ông Kishida vào tháng 11 năm ngoái đã hứa cho vay 500 triệu USD để hỗ trợ các nỗ lực hợp tác về năng lượng tái tạo.

Vùng biển nguy hiểm

Vấn đề Đài Loan quan trọng đối với Nhật Bản, không chỉ vì một cuộc chiến gần như chắc chắn sẽ lan sang các hòn đảo lân cận của Nhật Bản, mà bởi vì nó tượng trưng cho những gì đang bị đe dọa khi Trung Quốc tiếp tục phát triển sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương.

Nhật Bản có quan hệ lâu dài với Đài Loan. Hòn đảo cực tây của Nhật Bản chỉ cách Đài Loan 110 km. Nhưng chính quyền Tokyo đôi khi đã phải vật lộn để thuyết phục thế giới về mối nguy hiểm mang tính thời đại của một cuộc chiến tranh đối với Đài Loan và sự cần thiết phải tạo ra một mặt trận đoàn kết chống lại ý muốn thống nhất Đài Loan của Bắc Kinh.

Hai diễn biến gần đây càng khiến Tokyo chắc chắn hơn về chính sách của mình. Một là việc Trung Quốc từ chối lên án Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Hai là việc ông Tập Cận Bình giành được nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.

Kể từ thời Minh Trị (1868-1912), Nhật Bản đã cố gắng tránh một cuộc khủng hoảng ba bên liên quan đến Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông Abe đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin 27 lần khi ông còn là thủ tướng trong nỗ lực giảm thiểu mối đe dọa từ phía bắc.

Việc ông Kishida nhanh chóng lên án Nga sau khi nước này đưa quân sang Ukraine vào năm ngoái đã khiến một số thành viên trong giới chính trị Nhật Bản lo lắng. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Mori Yoshiro chỉ trích các chính sách của ông Kishida là phá hỏng nỗ lực thiết lập lòng tin với Nga trong nhiều năm.

"Chúng tôi đã xây dựng rất nhiều với Nga cho đến bây giờ", ông Mori nói trong một bài phát biểu vào tháng 1. "Chúng ta có nên hỗ trợ Ukraine đến mức này không? Không thể tưởng tượng được rằng Nga sẽ thua''.

Nhưng ông Oriki Ryoichi , cựu sĩ quan hàng đầu trong Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, lưu ý rằng mối đe dọa mà Nhật Bản phải đối mặt tiếp tục phát triển và cần có các chiến lược mới.

"Bản thân Nga không có khả năng xâm lược Nhật Bản từ phía bắc", ông Oriki nhận định. "Không có lý do gì để làm như vậy. Nhưng chúng ta cần chuẩn bị cho sự hợp tác của Nga và Trung Quốc. Và nếu có một cuộc khủng hoảng Đài Loan, Triều Tiên có thể gây rắc rối đồng thời, khiến nó trở thành một tình huống dự phòng tích hợp".

Trung tướng Francesco Diella, giám đốc bộ phận an ninh hợp tác của NATO, cho biết: "An ninh của chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và sự hợp tác của chúng ta cũng vậy, bắt nguồn từ các giá trị chung và tầm nhìn chung của chúng ta về một thế giới tự do, hòa bình và thịnh vượng. "

Nhật Bản muốn mở rộng liên minh gồm các quốc gia và tổ chức quyết tâm duy trì trật tự quốc tế tự do, cởi mở và ổn định hiện nay. "Ý tưởng là để liên minh này phát triển từ một loạt đá thành một hòn đảo và một địa hình đồi núi", một nhà ngoại giao kỳ cựu của Nhật Bản ví von.

Đối với ông Kishida, hội nghị thượng đỉnh cuối tuần này là cơ hội quan trọng để bắt đầu đặt nền móng cho loại địa hình này.

"Chúng ta phải vượt ra ngoài khuôn khổ của G7", ông Kishida nói. "Để hợp tác với thế giới rộng lớn hơn, bao gồm cả Nam bán cầu".

Không còn đứng ngoài quan sát, Nhật Bản dưới thời ông Kishida đã sẵn sàng theo đuổi "ngoại giao với lòng dũng cảm" và "nói những gì cần nói".

Theo Nikkei Asia
Bình luận
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, Google thông báo đã thanh toán 100 triệu CAD (tương đương 69 triệu USD) cho các cơ quan báo chí Canada để sử dụng nội dung thông tin trên nền tảng này. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa Google và Chính phủ Canada nhằm bù đắp thiệt hại về doanh thu quảng cáo của ngành báo chí truyền thống.
Các điều tra viên thuộc Cơ quan chống tham nhũng nhà nước Hàn Quốc tiến vào tư dinh Tổng thống bị luận tội để thực thi lệnh bắt giữ ông Yoon Suk Yeol, tại Seoul, ngày 3/1/2025. Ảnh: YONHAP.
Cảnh sát Hàn Quốc thực thi lệnh bắt Tổng thống Yoon Suk Yeol
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, các điều tra viên và cảnh sát Hàn Quốc đã tiến vào dinh thự của Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol liên quan đến nỗ lực áp đặt lệnh thiết quân luật bất thành vào tháng trước. Đây là lần đầu tiên lực lượng chức năng nước này tìm cách bắt giữ một tổng thống đương nhiệm.