Theo nghiên cứu này, với sự hiện diện của nhiều tàu sân bay trong khu vực vào năm 2030, Trung Quốc sẽ lấn lướt các quốc gia khác mà không nhất thiết phải công khai đe dọa. Trung Quốc chính thức thông báo hồi cuối năm ngoái rằng, nước này đang đóng tàu sân bay thứ hai và dự kiến sẽ đóng thêm tàu loại này trong tương lai.
Báo cáo của CSIS có đoạn viết: "Đối với các nước ven Biển Đông, động thái đóng tàu sân bay của Trung Quốc sẽ làm thay đổi cuộc chơi. Một nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) Trung Quốc luôn lượn lờ trong vùng biển tranh chấp hoặc ở cách đó chưa đến nửa ngày di chuyển”.
Tàu sân bay Liêu ninh đầu tiên của Trung Quốc.
Bất kể Trung Quốc thâu tóm lãnh thổ hoặc thương lượng chia sẻ tài nguyên với các bên yêu sách khác, "Biển Đông sẽ bị biến thành ‘ao làng’ của Bắc Kinh giống như biển Caribbean hoặc Vịnh Mexico đối với Mỹ ngày nay”.
Các nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc cũng sẽ khiến cho hoạt động hải quân Mỹ ở Biển Đông gặp nhiều nguy hiểm, nếu không dùng tàu ngầm.
Washington Post dẫn nghiên cứu của CSIS cho rằng, chiến lược "xoay trục” sang Châu Á của Tổng thống Obama lại không rõ ràng, không có sức thuyết phục và nước Mỹ cũng không đủ nguồn lực để đối phó với mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Mỹ cần phải duy trì và tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như nỗ lực thúc đẩy năng lực của các đồng minh và đối tác.
Báo cáo của CSIS kết luận, chiến lược “tái cân bằng” (hoặc “xoay trục” sang Châu Á) của Tổng thống Obama cần nhận được nhiều sự quan tâm và nguồn lực hơn nữa, đặc biệt khi Trung Quốc đã đẩy nhanh tốc độ "cưỡng chế" và xây dựng “đảo nhân tạo” ở Biển Đông trong khi Triều Tiên tiếp tục phát triển sức mạnh tên lửa, hạt nhân.
Cuối cùng, CSIS xác định ba mục tiêu chính của Mỹ trong khu vực là bảo vệ công dân Mỹ và các đồng minh, xúc tiến thương mại và thúc đẩy chuẩn mực dân chủ nhưng bày tỏ lo ngại rằng “tái cân bằng” có thể không đủ để đảm bảo những lợi ích của nước Mỹ”.
Đăng Nguyễn