Theo quy luật thời gian, vào các tháng cuối năm, khi tốc độ gió ở mức thấp, thậm chí xuất hiện lặng gió làm cho chất ô nhiễm khó lan truyền, khuếch tán ra xa và lên cao nên chất lượng không khí ở một số thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội bị suy giảm, xuất hiện nhiều ngày, nhiều đợt ô nhiễm. Năm nay, khi Hà Nội đang trải qua những ngày giữa tháng Tám, tình trạng ô nhiễm không khí đã bắt đầu xuất hiện…
_______________
Từ tháng 11/2023 đến nay, nhiều khu vực ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc thường xuyên chìm trong bầu không khí trắng đục, mịt mù của sương và khói bụi. Dữ liệu quan trắc cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội đo được trên các ứng dụng quan trắc liên tục xuất hiện chỉ số AQI cao với các màu da cam (CLKK kém), đỏ (CLKK xấu), thậm chí là tím (CLKK ở mức rất xấu) và nâu (CLKK nguy hại). Đáng nói, ở một số thời điểm, Hà Nội còn bị xếp là thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo chỉ số AQI.
Bàn về tình trạng ô nhiễm này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, trưởng Ban Khoa học công nghệ, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có cuộc trò chuyện cởi mở với phóng viên Ngày Nay. Theo nhận định của ông, chính sách vĩ mô của Việt Nam về quản lý chất lượng không khí là “rất tốt, rất đúng”, đã góp phần ngăn chặn suy thoái chất lượng không khí và tạo ra được những tác động rõ rệt.
“Ngay từ năm 2001, Việt Nam đã cấm lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm xăng pha chì trên thị trường dưới mọi hình thức, trong khi cùng thời điểm đó, các nước trong khu vực vẫn chưa thể thực hiện quy định này. Chúng ta cũng đã triển khai di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đông dân cư, có thể kể đến như ở khu công nghiệp “Cao - Xà – Lá” trước đây tại Hà Nội. Ngoài ra, chúng ta cũng có quy định không cho phép xây dựng nhà máy phát thải nhiều chất ô nhiễm không khí, như nhà máy điện hay nhà máy xi măng, thép ở xung quanh các thành phố lớn. Đồng thời, có quy định chất lượng xe lưu hành với các tiêu chuẩn ngày một cao. Hệ thống giao thông công cộng của Việt Nam cũng đang được đẩy mạnh xây dựng, dần tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Nhìn chung, những chính sách ấy đã tạo ra được tác động rất lớn đến công tác quản lý chất lượng không khí”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ khẳng định.
Tuy nhiên, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cũng chỉ ra rằng một số vấn đề cốt lõi của công tác quản lý chất lượng không khí hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Việt Nam chưa có cơ chế hay cơ quan phụ trách quản lý chất lượng không khí rõ ràng. Công tác quản lý chất lượng không khí cũng chưa được đầu tư nhiều và còn gặp rất nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn ngân sách, một phần do quá trình nghiệm thu, đánh giá hiệu quả dự án tương đối khó khăn.
“Trên thực tế, hệ thống quan trắc có chất lượng cao, các trạm quan trắc tự động, cố định và liên tục của Việt Nam còn tương đối ít, đồng thời phân bố không đều. Điều này khiến cho việc xác định được vùng ô nhiễm, mức ô nhiễm, thời gian ô nhiễm, của chúng ta còn gặp nhiều hạn chế, kéo theo đó là các tác động của tình trạng ô nhiễm chúng ta cũng chưa thực sự nắm rõ”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho biết.
Tuy chưa có đầy đủ số liệu để đánh giá rõ ràng nhưng ô nhiễm bụi mịn vẫn tiếp tục là vấn đề nổi cộm, đáng lo ngại tại Hà Nội cũng như các đô thị lớn. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2021, tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị phát triển công nghiệp, giá trị trung bình năm của thông số bụi PM 2,5 ở các trạm quan trắc tự động, liên tục ghi nhận vượt ngưỡng của QCVN 05:2013/BTNMT từ hai đến ba lần.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, chất lượng không khí phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, là lượng các chất thải ra từ các hoạt động của con người. Thứ hai, là các chất ô nhiễm thứ cấp do quá trình khí quyển tạo ra, lan truyền theo dòng không khí, hay còn gọi là khuyếch tán rối. Đơn cử như, chất ozon gần mặt đất được tạo ra từ quá trình quang hoá, hay bụi PM 2,5 thứ cấp hình thành trong một số điều kiện thời tiết nhất định. Ông cho rằng, để đánh giá chất lượng không khí tại một đô thị, một địa phương, việc mở rộng nghiên cứu phát thải các chất ô nhiễm không khí của các tỉnh, thành phố lân cận, thậm chí từ nước ngoài là vô cùng cần thiết.
“Ngay từ việc xác định nguồn ô nhiễm không khí đã rất khó khăn, vậy nên song song với đó chúng ta cần phải có hệ thống quản lý và các giải pháp xử lý phù hợp nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải làm công tác kiểm kê khí thải, qua đó trả lời được hai câu hỏi: Nguồn phát thải từ đâu? Mức độ phát thải là bao nhiêu?” - Ông Cơ cho rằng công tác kiểm kê khí thải chính là tiền đề để Việt Nam triển khai xây dựng được cơ sở dữ liệu phát thải với số liệu cập nhật liên tục. Từ đó, hệ quản trị cơ sở dữ liệu sẽ cho phép những dữ liệu ấy được lưu trữ, xử lý và được sử dụng khi cần thiết, đặc biệt là cho hoạt động đánh giá và nghiên cứu khoa học.
Ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm do bụi mịn, đang trở thành một trong những mối đe dọa lớn đối với sức khoẻ người dân. Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Y tế công cộng & Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 làm gia tăng gánh nặng bệnh tật liên quan đến nhập viện do hai nhóm bệnh hô hấp và bệnh tim mạch. Ước tính trung bình mỗi năm có khoảng 1,2% số ca nhập viện liên quan đến bệnh tim mạch và khoảng 2,4% số ca nhập viện liên quan đến nhóm bệnh hô hấp trong tổng số ca nhập viện tại Hà Nội.
Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Việt Nam cần thực hiện bốn giải pháp trọng tâm nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí. Một là xây dựng chiến lược rõ ràng trong công tác quản lý chất lượng không khí, đề ra được mục tiêu cụ thể và kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, là thiết lập cơ chế hệ thống quản lý chất lượng không khí với trách nhiệm của các đơn vị cụ thể. Hai là tăng cường nguồn lực đầu tư cho quản lý chất lượng không khí. Ba là đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao, có khả năng tiếp cận và xử lý số liệu thu thập được về môi trường không khí. Một giải pháp nữa không kém phần quan trọng là thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này.
“Chuyển đổi năng lượng, xu thế chung của toàn cầu, cũng nên được nhắc tới trong câu chuyện này. Chuyển đổi năng lượng lượng từ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng tái tạo là giải pháp hiệu quả trong việc giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời giúp cải thiện chất lượng không khí. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta có lợi thế tốt trong tiến trình chuyển đổi năng lượng”, ông Cơ nói.
Ông Cơ cũng chỉ rõ một vài khó khăn mà Việt Nam đang gặp phải trong tiến trình chuyển đổi, khi những nguồn năng lượng này thường thay đổi theo thời gian và chịu tác động của ngoại cảnh. “Năng lượng mặt trời thì sẽ phải phụ thuộc vào bức xạ mặt trời, có ngày nắng ngày mưa, năng lượng gió thì có lúc gió mạnh có lúc gió yếu. Chính vì vậy, nguồn năng lượng này không hoàn toàn đảm bảo được tính ổn định và giá thành sản xuất điện từ năng lượng còn tương đối cao. Dù vậy, tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua những thách thức trên, từng bước chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo một cách bền vững”, vị chuyên gia này chia sẻ.