Theo báo cáo mang tên Chỉ số chất lượng không khí với cuộc sống (AQLI), hầu hết các nước khu vực Nam Á, trừ Sri Lanka, đều nghi nhận sự cải thiện tích cực về tình trạng ô nhiễm. Dữ liệu vệ tinh được thu thập và phân tích trong năm 2022 cho thấy tình trạng ô nhiễm không khí ở Nam Á đã giảm ở mức đáng kể là 18%.
Mặc dù khó có thể xác định chắc chắn yếu tố nào làm giảm nồng độ bụi mịn PM2.5 trên khắp Nam Á, nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng các điều kiện khí tượng thuận lợi có thể đã đóng một phần quan trọng. Bụi mịn là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống, có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua hoạt động hít thở. Lượng mưa cao hơn mức trung bình trên toàn Nam Á vào năm 2022 cùng với sự sụt giảm ô nhiễm môi trường trên diện rộng ở khu vực này đã hỗ trợ cho giả thuyết trên.
Sự suy giảm ô nhiễm không khí ở Nam Á cũng được cho là yếu tố giúp mức độ ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn cầu giảm 9%, ngay cả khi một số khu vực vẫn ghi nhận sự tăng đột biến về nồng độ bụi mịn gây ô nhiễm không khí, chẳng hạn như ở Trung Đông và Bắc Phi.
Theo báo cáo, việc thiếu dữ liệu về chất lượng không khí trên thực tế đang cản trở công tác hoạch định và thực hiện chính sách bảo vệ môi trường ở nhiều nước. Trong khi đó, ở một số quốc gia thuộc châu Phi, ô nhiễm không khí được xem là mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với tuổi thọ người dân, so với các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe con người như các bệnh nhiễm trùng xuất hiện ở các vùng nhiệt đới, thiếu nước sạch sinh hoạt hoặc các căn bệnh như “căn bệnh thế kỷ” HIV/AIDS.
Tuy nhiên, báo cáo cho thấy người dân ở Nam Á vẫn đang hít thở không khí ô nhiễm ở mức gấp 8 lần so với mức mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho là an toàn. Tình trạng này có thể khiến tuổi thọ trung bình của người dân Nam Á giảm hơn 3 năm rưỡi.