Các chuyên gia luôn khuyến cáo, thời điểm ăn dặm tốt nhất là khi trẻ 6 tháng. Tuy nhiên nhiều ông bố, bà mẹ mong muốn con mình lớn nhanh nên đã cố tình “chạy nước rút”, cho con cai sữa từ khi mới 3-4 tháng. Hậu quả, trẻ không những không lớn mà còn mắc nhiều bệnh tật.
Mới nhất, BV Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc tiếp nhận bệnh nhi Xiaowen mới 5 tháng tuổi trong tình trạng cơ thể phù nề, không đi tiểu trong suốt hơn 20 giờ.
Cô bé 5 tháng tuổi đã phải nhập viện để điều trị sỏi thận |
Sau khi thăm khám, bác sĩ phát hiện em bé bị suy thận do tắc niệu quản hai bên. Bệnh nhi được chỉ định can thiệp niệu quản, khi mở ra, bác sĩ phát hiện một lượng lớn nước tiểu trộn lẫn máu và sỏi trong bàng quang.
May mắn, ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ, tất cả sỏi đã được lấy ra, chức năng thận của cô bé dần cải thiện.
Bằng cách nào một đứa trẻ mới 5 tháng tuổi đã bị sỏi thận? Đây là câu hỏi được nhiều bác sĩ mổ xẻ sau khi gặp trường hợp của cô bé Xiaowen.
BS Zhang, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết, sỏi thận ở trẻ nhỏ thường do suy niệu bẩm sinh, tuy nhiên sức khoẻ bé Xiaowen hoàn toàn bình thường.
“Tôi đã kiểm tra và không thấy bất thường nào. Nguyên nhân gây sỏi thận trường hợp này có thể liên quan đến chế độ ăn uống hàng ngày của bé”, BS Zhang cho hay.
Phần sỏi được lấy ra |
Mẹ của Xiaowen thừa nhận, vì con gái quá nhẹ cân nên chị sốt ruột, cho con cai sữa từ lúc 3 tháng tuổi để chuyển sang chế độ ăn bổ sung giúp bé tăng cân dễ dàng.
Sỏi thận hình thành từ muối khoáng và axit. Sỏi thận có biểu hiện khá đa dạng, từ âm thầm gây thận ứ nước không triệu chứng đến tình trạng đau quặn bụng phải đi cấp cứu.
Sỏi thận có nhiều nguyên nhân như nhiễm độc, một vài loại thuốc (thuốc chứa canxi, vitamin C,...), do rối loạn chuyển hóa (ví dụ bệnh gút) hoặc do chế độ ăn, uống không hợp lý (uống ít nước, lười ăn rau, canh, dùng nhiều kali, phytate và dùng ít protein thực vật, natri và sucrose) làm tăng hàm lượng canxi, oxalate, axit uric trong nước tiểu...
Ngoài ra, sỏi thận có thể do dị dạng đường tiểu hoặc một số bệnh đường tiểu làm cản trở lưu thông nước tiểu hoặc do nhiễm khuẩn đường tiểu như viêm thận, viêm bàng quang, niệu đạo...
Ở trẻ em có nhiều nguyên nhân dẫn đến sỏi thận, thường gặp nhất là do các bệnh gây rối loạn chuyển hóa như: Rối loạn enzyme, hội chứng ống thận.
Ngoài ra các thói quen ăn uống như ăn nhiều thức ăn nhanh chứa nhiều muối, ít uống nước, ít vận động, thu nạp quá nhiều khoáng chất như canxi, vitamin C… là những nguyên nhân làm hình thành nhanh sỏi thận ở trẻ em, nhất là những trẻ có sẵn các bệnh lý rối loạn chuyển hóa.
Một số phương pháp điều trị sỏi thận hiện nay là tán sỏi qua da, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua nội soi niệu quản ngược dòng…