Nạn nhân là bé Hồ Thị Kiều Tr. (11 tuổi), trú xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Chị Lê Thị Hà (SN 1979), mẹ Kiều Trang bùi ngùi cho biết: “Sau khi Tr. đi học về, tôi nhìn thấy con uống nước ngọt (loại bình thường em vẫn uống), được một lúc, nó bắt đầu la đau bụng, rồi toàn thân nổi mẫn đỏ.
Tưởng con bị mề đay, mọi người khuyên nên vào nhà đắp chăn tránh gió. Nhưng các nốt đỏ chẳng những không lặn, mà chuyển thành màu đen kịt rồi tạo thành các nốt bỏng (có nốt to như quả trứng gà), phồng rộp toàn thân”.
Khi đi qua nhiều bệnh viện nhưng các nốt bỏng trên da của bé vẫn không thuyên giảm, gia đình đã đưa bé đến Bệnh viện Trung ương Huế.
Bé gái bị bỏng rộp toàn thân.
“Khi đó, con bé yếu lắm, các nốt bỏng vỡ ra khiến toàn thân rỉ nước, miệng loét, đau không ăn được nên gia đình phải đổ nước cháo cho bé. Lần đầu chưa chuẩn đoán ra, họ nói bị bẩm sinh tim, khối u đường ruột, nước chèn phổi...”, chị Hà vẫn chưa hết hoang mang cho biết.
Chưa biết thực hư thế nào, nhưng cũng trong thời gian này, dư luận Quảng Bình bắt đầu xôn xao trước thông tin một bé gái bị bỏng rộp toàn thân, suýt chết do ngộ độc nước ngọt không rõ nguồn gốc.
Chị Hoàng Thị Đoài (SN 1990), trú xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch) cho biết: “Vào mỗi buổi sáng mai, tôi thường cho con vài nghìn ra trước cổng trường ăn sáng. Theo tìm hiểu, cháu mua xôi, còn lại tiền thì mua nước ngọt uống (cùng loại nước ngọt mà bé Kiều Tr. uống). Nhưng từ ngày nghe tin bé Tr. bị như vậy, chúng tôi và bản thân các cháu cũng không ai dám uống nữa”.
Cuối tháng 11, sau khi điều trị tích cực tại Bệnh viện Trung ương Huế, thấy tình trạng bệnh tiến triển tốt, bé Tr. đã được xuất viện về nhà. Theo chẩn đoán trong giấy ra viện của Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế, cháu Hồ Thị Kiều Tr. bị Hội chứng Lyell.
Theo y khoa, hội chứng Lyell (còn gọi là hoại tử thượng bì do nhiễm độc) gây ra nhiều triệu chứng như ban đỏ hơi nề, xu hướng lan tỏa, ngứa, đôi khi có tổn thương hình bia bắn.
Các bọng nước nông xuất hiện đầu tiên ở thân mình, lòng bàn tay, bàn chân sau đó nhanh chóng lan ra khắp người, liên kết với nhau làm lớp thượng bì trợt, để lại nền da màu đỏ, tím, rỉ dịch, trường hợp nặng có thể tiết dịch rất nhiều hoặc chảy máu.
Nếu không được điều trị sớm, da sẽ bong trợt nhiều, nhăn nheo, xô lại, bị xé rách từng mảng lớn, có khi hoại tử giống như bị bỏng lửa. Bệnh tương đối hiếm gặp, tỷ lệ khoảng 0,4-1,3 ca trên một triệu dân được phát hiện mỗi năm.
Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.
Quang Minh