Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu phần mềm trí tuệ Rapid trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN |
Thông tin này được Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vào chiều 21/6.
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Huy Thắng, mỗi năm Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận và điều trị cho khoảng 12.000 lượt bệnh nhân đột quỵ. Tuy nhiên, chỉ khoảng 20% bệnh nhân đến bệnh viện trong “thời gian vàng”, tức khoảng từ 4-6 giờ sau khi khởi phát các triệu chứng đột quỵ.
Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội cứu sống các bệnh nhân đột quỵ rất thấp. Tuy nhiên, với phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid, “thời gian vàng” của bệnh lý đột quỵ được mở rộng đến 24 giờ sau khi khởi phát bệnh.
Theo đó, kết quả hình ảnh chụp MRI não của bệnh nhân được đưa vào phần mềm Rapid sẽ giúp các bác sỹ xác định những vùng não bị tổn thương.
Ngoài ra, phần mềm này cũng xác định được các vùng não có nguy cơ tổn thương, hoại tử trong những giờ tiếp theo - vùng nguy cơ này rất khó có thể xác định được bằng các phương pháp hình ảnh học thông thường.
Đây là điều vô cùng quan trọng giúp các bác sỹ có quyết định sử dụng kỹ thuật cao để tái thông, làm tan cục máu đông, hồi phục tổn thương, hạn chế di chứng yếu liệt cho bệnh nhân.
Phần mềm trí tuệ Rapid trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN |
Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phối hợp lắp đặt và triển khai toàn bộ phần mềm Rapid trong chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị đột quỵ não, được kỳ vọng sẽ giúp tăng tỷ lệ cứu sống bệnh nhân, giảm tỷ lệ tàn phế do đột quỵ.
Trong 2 ngày triển khai thử nghiệm, các bác sỹ Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Gia An 115 đã thực hiện ứng dụng phần mềm Rapid trên 6 bệnh nhân và đã xác định được bệnh nhân nào cần can thiệp tái thông tắc mạch, bệnh nhân nào cần điều trị nội khoa.
Tiến sỹ, bác sỹ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, dù chi phí mua bản quyền phần mềm Rapid khá đắt đỏ nhưng khi ứng dụng tại Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 chi phí điều trị của bệnh nhân đột quỵ sẽ không tăng lên đáng kể.
“Chúng tôi ứng dụng phần mềm Rapid nhằm tăng thêm công cụ giúp cứu sống bệnh nhân, phục vụ lợi ích vì sức khỏe cộng đồng chứ không phải vì lợi nhuận”, Tiến sỹ, bác sỹ Phan Văn Báu khẳng định.
Được biết, phần mềm Rapid phát triển bởi Đại học Stanford - Hoa Kỳ và được ứng dụng tại 1.200 bệnh viện của 40 quốc gia trên thế giới. Theo số liệu công bố tại nhiều nước trên thế giới, trong 100 ca áp dụng phần mềm Rapid có thể điều trị thành công 49 ca, nhưng nếu không có phần mềm này, chỉ có 19 ca điều trị thành công.
Ngoài Thái Lan, Indonesia, Việt Nam là quốc gia thứ 3 tại Đông Nam Á sở hữu bản quyền phần mềm trí tuệ nhân tạo này.