Đây là nội dung Nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật, thương tật và yếu tố rủi ro toàn cầu năm 2021, được công bố trên tạp chí The Lancet ngày 16/5.
Nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu của 204 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm xác định những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm trên toàn cầu được đánh giá dựa trên số năm sống được điều chỉnh theo mức độ bệnh tật (DALY).
Nghiên cứu cũng chỉ ra số năm ốm yếu do các yếu tố liên quan đến tình trạng suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em như thấp còi giảm 71,5%.
Các tác giả nêu rõ dữ liệu cho thấy sự thay đổi rõ ràng trong các thách thức đối với sức khỏe toàn cầu khi dân số già đi và lối sống thay đổi, mặc dù ô nhiễm không khí được cho là yếu tố rủi ro lớn nhất trong dữ liệu của cả năm 2000 và 2021. Tuy nhiên, kết quả không đồng đều, ví dụ như ở khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara, suy dinh dưỡng vẫn là yếu tố rủi ro lớn nhất.
Theo nghiên cứu, sức khỏe kém ở những người từ 15-49 tuổi trên toàn thế giới ngày càng được cho là do chỉ số khối cơ thể (BMI) cao và lượng đường trong máu cao, hai yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường. Nhà khoa học Liane Ong thuộc Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe (IHME), Đại học Washington (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu trên, cho rằng các xu hướng trong tương lai có thể khá khác so với các xu hướng trong quá khứ do các yếu tố như biến đổi khí hậu, tình trạng béo phì và nghiện ngập ngày càng tăng.
Trong khi đó, Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (GBD) dự kiến tuổi thọ trung bình của con người sẽ tăng 4,5 tuổi vào năm 2050, từ 73,6 tuổi lên 78,1 tuổi. Mức tăng lớn nhất có thể diễn ra ở những nước mà ước tính hiện tại thấp hơn, cho thấy tuổi thọ trung bình đang bắt đầu trở nên đồng đều hơn trên toàn cầu. Tuy nhiên, nghiên cứu cho rằng dù con người sống thọ hơn nhưng số năm sống trong tình trạng sức khỏe yếu kém có thể nhiều hơn.