Theo thông báo của các nhà khoa học vào ngày 14/10, loài bò sát bốn chân này được đặt tên là Gondwanax paraisensis, có kích thước tương đương một con chó nhỏ, có đuôi dài, dài khoảng 1 mét và nặng từ 3-6 kg.
Loài bò sát nhỏ bé này có thể đã từng lang thang trên vùng đất mà ngày nay là miền Nam Brazil, trong một thời kỳ khi mà Trái Đất nóng hơn ngày nay rất nhiều.
Hóa thạch được xác định là một loài silesauridae mới (một họ khủng long đã tuyệt chủng thuộc kỷ Trias), thuộc nhóm bò sát đã tuyệt chủng. Các nhà cổ sinh vật học vẫn tranh cãi liệu silesauridae là khủng long thực thụ hay có thể là tiền thân của những sinh vật từng thống trị Trái Đất.
Hóa thạch Gondwanax paraisensis được khai quật trong một lớp đá có niên đại từ thời kỳ Tam Điệp, khoảng từ 252 triệu đến 201 triệu năm trước, thời điểm khi khủng long, động vật có vú, cá sấu, rùa và ếch bắt đầu xuất hiện.
Năm 2014, bác sĩ Pedro Lucas Porcela Aurelio đã tìm thấy hóa thạch này tại thị trấn Paraiso do Sul, thuộc bang Rio Grande do Sul, bang cực Nam của Brazil. Ông đã hiến tặng hóa thạch này cho một trường đại học địa phương vào năm 2021, mở đầu cho ba năm nghiên cứu.
“Là người đầu tiên chạm vào thứ gì đó từ 237 triệu năm trước là một trải nghiệm phi thường,” Aurelio chia sẻ với Reuters.
Phát hiện này được mô tả chi tiết trong một bài báo của nhà cổ sinh vật học Rodrigo Temp Müller, được công bố vào cuối tháng trước trên tạp chí khoa học Gondwana Research.
Nhà cổ sinh vật học Rodrigo Temp Müller cho biết: “Điều quan trọng nhất của phát hiện này là niên đại của nó. Bởi nó rất cổ nên nó có thể cho chúng ta những manh mối về cách khủng long xuất hiện.”
Ông cho biết thêm, khi được Aurelio hiến tặng, hóa thạch này bị bao phủ bởi một lớp đá dày và ban đầu chỉ có thể nhìn thấy một phần đốt sống.