1 tuổi, Th. xuất hiện những đốm trắng lạ trên vùng cổ, sau đó lan dần lên mặt. Đến 15 tuổi thì toàn bộ vùng da trên mặt Th càng ngày càng thêm trắng bệch. Căn bệnh bạch biến đã khiến gương mặt của Th trở nên khác biệt so với bạn bè. Th mặc cảm rất nhiều và muốn bỏ học, nhưng nhờ bố mẹ luôn sát cánh bên cạnh, cô trở lại trường học. Nhưng vết thương lòng không khiến cô dễ dàng đón nhận tình yêu.
Đó là khi về ra mắt nhà người yêu, cô bị gia đình người yêu phản đối khi nhìn thấy gương mặt khác lạ. Cô thu mình lại, chẳng dám quen biết người khác giới mãi đến khi có người đàn ông kiên trì theo đuổi cô suốt 8 năm. Cô mở lòng với anh, may mắn là cả gia đình anh cũng thông cảm.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV Da liễu Trung ương, bạch biến là bệnh da thường gặp ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý của người bệnh với tỉ lệ 0,5-1% dân số thế giới mắc. Đây là một bệnh khiến làn da mất sắc tố, nguyên nhân chưa rõ ràng, dù không lây nhiễm nhưng làm cho nhiều người bệnh mất tự tin, trầm cảm. Bệnh bạch biến không phải là bệnh lây truyền, nếu bệnh nhân không bị mặc cảm về ngoại hình vẫn có thể sống khoẻ mạnh suốt đời.
Ở Việt Nam, đến nay vẫn chưa có tỷ lệ mắc bệnh chính xác. Nghiên cứu tại BV Da liễu Trung ương cho thấy, từ năm 2015-2018, số lượng bệnh nhân bạch biến đến khám tăng dần đều từng năm. Đến năm 2018, có gần 3.000 bệnh nhân, chiếm hơn 1% tỷ lệ bệnh nhân tới khám tại BV. Hơn 50% trong số đó từ 12-40 tuổi, có một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân dưới 2 tuổi và trên 65 tuổi. Nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.
Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để dù các bác sĩ đầu ngành ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã dốc sức nghiên cứu. Các phương pháp điều trị chủ yếu là uống thuốc, laser, liệu pháp ánh sáng và phẫu thuật (ghép da và ghép tế bào).
“BV Da liễu Trung ương đang nghiên cứu áp dụng tế bào gốc cho bệnh nhân bạch biến vào cuối năm 2019” - TS Nguyễn Văn Thường cho biết. “Để thực hiện kỹ thuật ghép tế bào cho bệnh nhân bạch biến, kỹ thuật viên sẽ lấy một miếng da vùng hông của bệnh nhân, đưa vào dung dịch tách tế bào hắc tố đơn thuần, rồi đưa ghép lại vùng bạch biến của chính bệnh nhân đó. Các bác sĩ sẽ đánh giá tổn thương bạch biến ở bệnh nhân để đưa ra chỉ định có nên ghép tế bào hay không”.
GS Michaels Tirants, Đại học G. Marconi (Italya) cho rằng, chế độ dinh dưỡng và lối sống đóng vai trò quan trọng đối với bệnh bạch biến. Việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và thói quen sinh hoạt lành mạnh mang ý nhĩa tích cực trong việc kiểm soát bệnh. Bệnh nhân bạch biến thường dễ dàng từ bỏ điều trị sau 3 tháng do không thấy hiệu quả đạt được. Tuy nhiên theo phác đồ điều trị, đã có hơn 80% bệnh nhân nhìn thấy những hiệu quả điều trị tích cực chỉ trong vòng 1 năm.