Đi bộ là hình thức vận động giúp nâng cao sức khỏe tim mạch, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng của người mắc bệnh tiểu đường.
Dưới đây là những hướng dẫn thú vị về cách đi bộ dành cho người bị tiểu đường, được chuyên gia khuyên áp dụng.
Thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn là một trong những cách hiệu quả nhất để kiểm soát bệnh tiểu đường và tránh các biến chứng của nó.
Đi bộ mỗi ngày, dù là với cường độ nặng hay nhẹ, đều giúp cải thiện khả năng kiểm soát chỉ số đường huyết với người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Theo trang tin The Hindustan Times, một số nghiên cứu đã chứng minh những tác động tích cực của các hoạt động thể chất với việc điều tiết lượng đường trong máu.
Hoạt động thể chất thường xuyên cần kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng, dùng thuốc và theo dõi lượng đường trong máu, để người mắc bệnh tiểu đường có kết quả điều trị tốt nhất.
Mặc dù các chuyên gia sức khỏe chỉ khuyên bệnh nhân tiểu đường nên đi bộ từ 30-45 phút mỗi ngày, thực tế có những con số mà họ nên tuân theo để kiểm soát bệnh tốt hơn.
“Khoảng 10.000 bước đi mỗi ngày sẽ hữu ích hơn cho bệnh nhân. Nhưng điều quan trọng là phải tập trung vào thời lượng và cường độ tập thể dục, để kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả," bác sĩ Rahul Chirag, Chuyên gia tư vấn - Nội khoa, Bệnh viện CARE, Thành phố Hi-Tec, Hyderabad, Ấn Độ, chia sẻ.
Bắt đầu với 5000 bước đi bộ
Theo bác sỹ Priyanka Khanna, Chuyên gia tư vấn về Sức khỏe Phụ nữ tại Bệnh viện Cloudnine, Punjabi Bagh, New Delhi, đi bộ là một hình thức tập thể dục rất hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường.
Bà nói rằng đi bộ cường độ cao sẽ giúp người bình thường kiểm soát tình trạng tăng cân và tăng cường sức bền của tim mạch, dẫn đến giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Bà dẫn nguồn Đại học Y khoa Thể thao Mỹ và Hiệp hội Tiểu đường Mỹ nói rằng việc đi bộ 30 phút trong ít nhất 5 ngày mỗi tuần sẽ giúp kiểm soát tốt nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2.
Mục tiêu phải đạt là ít nhất 10.000 bước trong mỗi lần đi bộ. Nhưng thực tế người ta có thể bắt đầu với việc đi bộ tối thiểu 5000 bước mỗi ngày.
Chia nhỏ bài tập để đạt được mục tiêu
Nithya Abraham, một bác sỹ thuộc Khoa Nội tiết và Tiểu đường tại Bệnh viện Amrita, Kochi cho biết rằng có nhiều loại bài tập khác nhau trong hoạt động vận động, bao gồm cả hiếu khí và kị khí.
Trong số đó, đi bộ là dễ thực hiện nhất. Đi bộ ít nhất 10.000 bước mỗi ngày là lý tưởng cho bệnh nhân tiểu đường. Nếu gặp khó khăn trong việc đi bộ liên tục để đạt mục tiêu trên, người ta hoàn toàn có thể chia việc tập luyện thành nhiều lần trong ngày.
Ví dụ, họ có thể đi bộ 10 phút vào buổi sáng, 10 phút vào buổi chiều và 10 phút vào buổi tối. Tuy nhiên Nithya Abraham vẫn khuyên các bệnh nhân tìm kiếm sự tham vấn từ bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ hoạt động tập luyện nào.
Lợi ích của đi bộ với bệnh nhân tiểu đường
Theo bác sỹ Rahul, một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Nội tiết và Chuyển hóa Ấn Độ cho thấy rằng việc đi bộ 30 đến 45 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần, giúp cải thiện việc kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Một nghiên cứu khác được thực hiện bởi Chương trình Phòng chống Bệnh tiểu đường Ấn Độ (IDPP) đã chứng minh rằng can thiệp vào lối sống, bao gồm việc thực hiện hoạt động thể chất thường xuyên như đi bộ, giúp giảm 26% tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao ở Ấn Độ.
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến nghị người lớn nên tham gia các hoạt động tương tự thể thao aerobic với cường độ vừa phải, trong khoảng thời gian tổng cộng 150 phút mỗi tuần.
Điều này có thể đạt được được thông qua các hoạt động như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội hoặc khiêu vũ. Trong đó đi bộ là một lựa chọn thuận tiện và dễ tiếp cận đối với nhiều người.
Tuy nhiên Rahul cũng lưu ý rằng người bị tiểu đường nên kết hợp việc đi bộ với các bài tập rèn luyện sức mạnh để đạt hiệu quả cao hơn. Theo ông, họ nên thực hiện các bài tập sức mạnh ít nhất 2 ngày một tuần để cải thiện thể trạng cũng như độ nhạy insulin.