Cần loại những người nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp
Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nhân trên địa bàn được tổ chức sáng 8/3, với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho phân loại những vấn đề mà doanh nghiệp nêu ra cho các sở, ngành xử lý và phải có cam kết thời gian giải quyết cho doanh nghiệp, báo cáo cho Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội được biết và giám sát.
Ông Đinh La Thăng (giữa) trong buổi gặp gỡ doanh nhân TP.HCM sáng 8/3. Ảnh: Infonet
Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh cần phải thay đổi nhận thức về doanh nghiệp. Các cơ quan công quyền phải coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ vô điều kiện chứ không phải đối tượng quản lý. Thành phố tạo mọi điều kiện để xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, có tinh thần tự hào dân tộc, có văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có năng lực hội nhập.
“Chúng ta cần tạo ra một tinh thần khởi nghiệp, phong trào khởi nghiệp hết sức mạnh mẽ ở thành phố này. Đặc biệt việc cải cách hành chính, thủ tục hành chính. Nâng cao chất lượng, trình độ năng lực của đội ngũ công chức, viên chức, phẩm chất đạo đức. Những người nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, kể cả những người gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, hay kể cả những người không gây khó khăn phiền hà nhưng làm kém, làm chậm cho thì cũng phải loại ra”, ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Môi trường kinh doanh 'khổ sở'
Tại Hội nghị gặp gỡ nhiều ý kiến đã cho thấy doanh nghiệp đang tồn tại trong một môi trường kinh doanh khổ sở, tờ Thanh Niên đưa tin.
Theo đó, đại diện cho Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch hiệp hội bày tỏ nỗi lo về hàng lậu: 'Nếu không dẹp được vấn nạn hàng lậu, trốn thuế, DN ngành dệt may muốn chuẩn bị cho hội nhập cũng không dám mạnh tay đầu tư mở rộng. Tôi nói thật, nhiều DN sản xuất lớn mà nay bảo cầm cự sản xuất để nuôi công nhân, còn phần lớn sống là nhờ cho thuê mặt bằng'.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí TP.HCM cho hay, không chỉ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn phát triển công nghiệp phụ trợ, hiện DN ngành cơ khí gặp quá nhiều khó khăn về chính sách thuế. DN phải vay ngân hàng để đóng thuế VAT khi nhập hàng, nhưng việc chậm hoàn thuế cả năm đã ảnh hưởng đến nguồn vốn phát triển. Máy móc thiết bị của ngành nhập hưởng 0% thuế, nhưng sản phẩm bán ra trong nước lại buộc đóng 10% VAT là quá vô lý.
Liên quan đến hội nhập, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến lương thực thực phẩm TP.HCM “tố” vai trò của Trung tâm xúc tiến thương mại còn yếu kém trong nỗ lực hỗ trợ DN đưa hàng ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM lại cho rằng, hạ tầng giao thông yếu kém đang “âm thầm” lấy đi phần lớn lợi nhuận hằng ngày của DN...
M.Tú