Biển Đông căng thẳng tại Liên Hợp Quốc
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 25 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về luật biển năm 1982 (UNCLOS), nơi có 167 quốc gia tham dự vào ngày 12/6, bà Lourdes Yparraguirre, Đại diện thường trực của Philippines tại LHQ đề cập tới những bao biện và hành động hung hăng của Trung Quốc gần đây.
Bà nói "'Chính sách bành trướng' của Trung Quốc ở Biển Đông nên được coi là mối quan ngại của cộng đồng quốc tế. Điều này đe dọa đến tính toàn vẹn của Công ước, Hiến pháp của chúng ta về biển".
Bà Lourdes Yparraguirre |
Theo đại diện Philippines, Trung Quốc có các hành động gây hấn từ năm 2012 khi vi phạm thỏa thuận chung về việc rút hải quân khỏi bãi cạn Scarborough, nơi cách đảo Luzon của Philippines 124 hải lý và cách bờ biển gần nhất của Trung Quốc đến 800 hải lý. Từ đó, Bắc Kinh chiếm hữu bãi này, dựng rào chắn để ngăn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường truyền thống của họ.
Bà Yparraguirre nhấn mạnh Trung Quốc còn vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ký với ASEAN năm 2002. Bắc Kinh đang cải tạo tại một loạt bãi đá ở Trường Sa gồm Gạc Ma, Ken Nan, Vành Khăn, Châu Viên, Ga Ven và Chữ Thập. Riêng bãi đá Chữ Thập, Trung Quốc mở rộng diện tích gấp 11 lần diện tích ban đầu.
Đáp trả những bình luận của Philippnes, Wang Min, phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ cho rằng những cáo buộc đó là "phi lý và vô căn cứ", Sputnik News đưa tin.
Theo ông Wang, cuộc họp của các nước thành viên UNCLOS không phải là nơi để thảo luận vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, khi một nước đưa ra những cáo buộc tùy tiện với Trung Quốc, "nước đó" chiếm nhiều thời gian tại cuộc họp để nói về Biển Đông với mục đích rõ ràng là "lừa gạt cộng đồng quốc tế và gây áp lực để Bắc Kinh đưa ra thỏa hiệp với các vấn đề liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc".
"Hãy để tôi nói rõ việc này với nước đó rằng: Những tính toán của họ hoàn toàn sai lầm. Quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình là không thay đổi. Bất chấp họ nói những gì và bao nhiêu trong cuộc họp này hay ở các cuộc họp của LHQ, họ sẽ không bao giờ đạt được mục đích của mình", ông Wang nói.
Cãi lý không xong, Trung Quốc mạnh miệng đe dọa các nước
Cũng trong ngày 12/6, một đô đốc hải quân Trung Quốc hung hăng tuyên bố tàu chiến Trung Quốc “có quyền” đâm vào tàu Nhật trên Biển Đông.
Ảnh minh họa |
Trên tờ Thời Báo Hoàn Cầu, đô đốc Trung Quốc Li Jie cho rằng Nhật có thể triển khai tàu chiến và máy bay tới Biển Đông. Máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C, máy bay cảnh báo sớm E-2C và E-767 của Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) có thể bay trực tiếp từ Nhật tới Biển Đông.
Máy bay tiếp nhiên liệu KC-767J có thể hỗ trợ các máy bay chiến đấu của Nhật như F-15J và F-2 mở rộng hoạt động trên Biển Đông. Còn các tàu chiến của Nhật như tàu sân bay trực thăng Izumo được thiết kế để hoạt động dễ dàng trên vùng biển này.
Đô đốc Lie Jie hung hăng khẳng định “Nhật cần suy nghĩ kỹ” trước khi đưa tàu và máy bay tới Biển Đông vì Trung Quốc “không chỉ phản đối qua các kênh ngoại giao mà còn có quyền hợp pháp đâm tàu nước ngoài xâm nhập lãnh thổ quốc gia”.
Phản ứng của đô đốc Lie cho thấy sự hiếu chiến và tinh thần dân tộc cực đoan đang ngấm sâu vào nhiều quan chức quân đội Trung Quốc.
Trước đó, cũng chính Thời Báo Hoàn Cầu từng đe dọa lực lượng Trung Quốc sẽ bắn máy bay Australia nếu bay vào vùng biển gần nơi Bắc Kinh đang xây các đảo nhân tạo trái phép.
Xem thêm:
- Biển Đông hôm nay 14/6: Mỹ, Úc thay nhau ngăn Trung Quốc 'làm càn' tại Biển Đông
- Biển Đông hôm nay 13/6: Xây đảo ở Biển Đông, 'mồi lửa' cho cuộc chiến Mỹ - Trung
- Biển Đông hôm nay 12/6: Trung Quốc 'ủ mưu' chiếm Biển Đông từ 30 năm trước
- Biển Đông hôm nay 11/6: Trung Quốc 'vừa ăn cướp vừa la làng'
Trang Ly (T/h VnExpress/Zing)