Thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVFTA
Tại cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận về thời điểm thực thi EVFTA. Theo thủ tục nội bộ của EU thì EVFTA cần được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và sau đó được Hội đồng châu Âu ký duyệt để có hiệu lực.
Vào ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã tiến hành bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA với tỷ lệ 63,35% số phiếu tán thành (401 phiếu tán thành, 192 phiếu phản đối và 40 phiếu trắng).
Tới ngày 30/3, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định EVFTA và đã gửi công hàm thông báo với Việt Nam vào ngày 24/4 về việc EU đã hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của mình.
Toàn cảnh buổi điện đàm. |
Theo quy định tại Điều 17.16 của Hiệp định EVFTA, Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà hai Bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý tương ứng để Hiệp định này có hiệu lực, hoặc vào một ngày khác do hai bên thỏa thuận.
Phía EU đánh giá cao sự kiện Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định và coi đây là sự kiện có ý nghĩa “lịch sử” trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên. EU đề nghị đưa Hiệp định vào thực thi từ ngày 1 tháng 8 tới đây, theo đúng quy định của Hiệp định.
Còn phía Việt Nam đã đề nghị thúc đẩy việc thực thi Hiệp định EVFTA trong thời gian sớm nhất để hai bên có thể tận dụng các cơ hội từ Hiệp định, nhằm cải thiện tình hình kinh tế thương mại sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua. Cao ủy EU ghi nhận và hứa sẽ trao đổi thêm với các cơ quan chuyên môn và các Nước thành viên nhưng cũng cho biết hoàn cảnh dịch bệnh ở EU vẫn tương đối khó khăn, ảnh hưởng ít nhiều đến công tác điều phối chung.
Công tác chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA
Cũng trong buổi điện đàm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Cao ủy Phil Hogan cũng đã đề cập tới Dự án ARISE+ Việt Nam (Dự án Hỗ trợ hội nhập khu vực ASEAN – Hỗ trợ Liên quan đến Thương mại dành cho Việt Nam), hai bên đã thống nhất thúc đẩy sớm triển khai Dự án.
Đây là chương trình kéo dài 5 năm (dự kiến từ năm 2019 đến năm 2023) do EU tài trợ với tổng ngân sách là 6 triệu Euro với mục tiêu góp phần hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua các hoạt động hỗ trợ cho khu vực công và tư. Dự án sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tận dụng được những lợi ích từ các cam kết thương mại khu vực và song phương với trọng tâm là công tác triển khai thực thi Hiệp định EVFTA. Đây là hợp phần quốc gia dành cho Việt Nam trong chương trình ARISE+ hỗ trợ hội nhập kinh tế khu vực.
Bộ trưởng Công Thương khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác EU để đảm bảo Dự án được triển khai trong thời gian sớm nhất có thể và thực hiện một cách hiệu quả, hỗ trợ tối đa hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam cũng như việc thực thi EVFTA.
Đề nghị trong quá trình triển khai, EU ưu tiên giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của cả hai phía. Về phía Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẵn sàng cùng tham gia triển khai các hoạt động thiết thực giúp đỡ các doanh nghiệp. Phía EU đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam mời cộng động các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thực thi Hiệp định và cho biết Phái đoàn EU tại Hà Nội sẽ cùng phối hợp để triển khai.
Thành lập DAG trong Hiệp định EVFTA
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết phía Việt Nam khẳng định thực thi đúng và đầy đủ các cam kết trong Hiệp định EVFTA và phù hợp với pháp luật Việt Nam. Việt Nam cũng đang triển khai các bước trong nội bộ để có thể thành lập 1 DAG để thực thi cam kết này. EU đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam và coi đây là điểm EU ưu tiên thúc đẩy trong tất cả các FTA.
Theo kế hoạch trong Bộ hồ sơ đã trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, trong vòng 3 tháng sau khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, Việt Nam sẽ hoàn thành các thủ tục để thành lập Nhóm tư vấn trong nước (DAG) của Việt Nam để thực thi Điều 13.15 của Hiệp định EVFTA.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, bao gồm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tư pháp, Công an, Nội vụ và Văn phòng Chính phủ xây dựng Đề án thành lập DAG Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cao ủy EU cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam công nhận EU là 1 thực thể trong các biện pháp SPS trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Cuối cùng, Bộ trưởng Công Thương đã mời Cao ủy EU sang Việt Nam dịp Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN vào cuối tháng 8 và Cao ủy EU đã vui vẻ nhận lời.