Hội nghị được diễn ra theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội và trực tuyến tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch Hiệp hội doanh ngiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân.
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết tiến trình hội nhập của Việt Nam đã được luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và chỉ đạo xây dựng các khuôn khổ hội nhập.
"Đến ngày nay, chúng ta đã có những khuôn khổ hội nhập song phương và đa phương hết sức hoàn chỉnh và toàn diện, luôn luôn nắm bắt xu thế phát triển của thế giới, tạo điều kiện cho đất nước chủ động ứng phó với các xu thế mới, bối cảnh mới, nguy cơ mới. Trong bối cảnh đó, những hiệp định như EVFTA là một trong những điểm nhấn và lát cắt cuối để đất nước hội nhập với thế giới", theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. |
Theo ông Trần Tuấn Anh, EU bao gồm 27 quốc gia thành viên là khu vực có tổng GDP lên tới 18.000 tỷ USD và với trình độ phát triển kinh tế, công nghệ cùng quy mô thị trường thì đây là đối tác quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam.
"Các hiệp định thương mại tự do đều mang tính chất toàn diện, đồng thời có chất lượng cao. Với những yêu cầu và đòi hỏi cao, thì những hiệp định như EVFTA là công cụ, nền tảng quan trọng để giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam phải là chủ thể, những người tổ chức và thụ hưởng việc tổ chức thực thi EVFTA", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu.
Hội nghị được phát trực tuyến tới 62 tỉnh, thành khác trên cả nước. |
Trong thời gian tới, nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường hơn 500 triệu dân này. Với các kết quả đàm phán đã đạt được, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và EU một cách toàn diện và sâu sắc hơn trong thời gian tới, đặc biệt là khi đại dịch Covid-19 tạm thời lắng xuống.
Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội doanh ngiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân khẳng định trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu, làm chao đảo các nền kinh tế, thì việc ký kết hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu và đi vào thực thi có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội doanh ngiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam. |
"Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên tại châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam từ một quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu đã vươn lên trở thành nước đi đầu", ông Nguyễn Văn Thân cho biết.
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội doanh ngiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân đưa ra 3 đề xuất, kiến tới Chính phủ:
Một là, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, cùng với đó là chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, đề xuất và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, kịp thời thông qua mội số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế để phù hợp với các quy định của EVFTA, để các doanh nghiệp có cơ sở pháp lý, thực thi một cách hiệu quả Hiệp định EVFTA.
Hai là, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành hữu quan thông qua các phương tiện truyền thông, tích cực và tăng cường triển khai tuyên truyền về nội dung của Hiệp định và hướng dẫn thực hiện các nội dung cam kết, các quy định nêu trong EVFTA thông qua các khóa tập huấn, để nâng cao hiểu biết, nhận thức cho các doanh nghiệp, giúp họ thực thi Hiệp định hiệu quả.
Ba là tăng cường nguồn lực tài chính và tạo điều kiện thuật lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để triển khai các dự án EVFTA.