Chiều 12/6, Quốc hội biểu quyết việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, từ 16/6 cho tới ngày ngày bế mạc kỳ họp. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, qua xem xét, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung việc xem xét phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm hai thẩm phán TAND tối cao để đáp ứng yêu cầu công việc.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc chưa biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch tại kỳ họp này. Lý do đưa ra là, qua thảo luận còn nhiều ý kiến khác nhau. Dự luật có nhiều vấn đề liên quan đến ít nhất 45 luật hiện hành, cần có thời gian tham gia sâu, đánh giá của các cơ quan liên quan chịu tác động.
“Dự án này cần nghiên cứu sâu để hoàn thiện và tiếp tục xem xét vào kỳ họp thứ tư của Quốc hội” - Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Dự án luật Quy hoạch đã trải qua một chặng đường dài, long đong, nhiều lần đưa vào, rút ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, gây nhiều cuộc tranh luận. Với quyết định rút ngay trước “giờ chót” lần này, dự án luật một lần nữa gặp trắc trở.
Nội dung được chờ đợi thay đổi trong chương trình nghị sự kỳ này là trình dự án cao tốc Bắc – Nam. Trước đó, theo dự kiến, nội dung này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội vào chiều hôm nay (12/6). Tuy nhiên, cuối cùng nội dung này không xuất hiện trong bản chương trình được đề nghị bổ sung, điều chỉnh.
Theo tờ trình của Bộ GTVT trước đó, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 1.622 km, hiện đã đưa vào khai thác, triển khai thi công một số đoạn nên còn 1.372 km cần xây dựng.
Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án 312.435 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 (từ nay đến 2025) và giai đoạn 2 (sau 2025). Quy mô xây dựng là 4 - 6 làn xe, tốc độ 80 - 120 km/h, chia làm 20 dự án thành phần. Tính trung bình chi phí đầu tư xây dựng một km đường bộ cao tốc Bắc – Nam rơi vào khoảng hơn 10 triệu USD.