Trao đổi với báo Nhân Dân, PGS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh whitmore đã được ghi nhận từ năm 1912. Vi khuẩn gây bệnh không lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người nên không gây thành dịch.
Đây không phải là bệnh mới nhưng nay nhờ áp dụng sinh học phân tử nên chẩn đoán nhanh và chính xác hơn nên số lượng ca được phát hiện nhiều hơn. “Bệnh có kháng sinh đặc hiệu điều trị khỏi. Do vậy không nên hoảng loạn về bệnh này”, PGS Kính cho hay.
Cũng theo Giám đốc BV này, vi khuẩn có trong bùn đất, người có vết thương chân tay dẫm phải nơi bùn đất có mầm bệnh thì có thể mắc bệnh. Hầu hết nông dân đều có kháng thể với bệnh này, chỉ ai miễn dịch yếu thì có nguy cơ mắc.
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, khoảng 35% trẻ nhiễm bệnh có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai khiến nhiều người lầm tưởng là quai bị, 65% có các biểu hiện khác như viêm phổi, áp xe lách, thận… hoặc các vết mưng mủ ngoài da, đặc biệt là vùng đầu, mặt và cổ.
Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi cùng với nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp viêm cơ khớp hoặc viêm màng não.
Trong số các ca mắc bệnh whitmore, 90% bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, một nửa có nguy cơ biến chứng sốc nhiễm khuẩn và tử vong. Có trường hợp tử vong sau vài ngày nhập viện nhưng cũng có trường hợp phải dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.