Cụ thể, kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở nhóm tuổi 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở học sinh, tại nhà giảm từ 47,7% xuống 24,5%; tại khu vực trong nhà của địa điểm công cộng giảm từ 66,5% xuống 22,2%; tại trường học giảm từ 48,6% xuống 35,7%.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, có được kết quả trên là nhờ công tác truyền thông về tác hại của các sản phẩm thuốc lá như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đã được tăng cường trong trường học. Đồng thời, cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha trong cơ sở giáo dục cũng như bán thuốc lá ngoài cổng, cơ quan, đơn vị, trường học.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng; tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13-15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022.
Bên cạnh đó, tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi, chiếm 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.
Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, các sản phẩm thuốc lá được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức và thông qua nhiều kênh thông tin, trong đó có nhiều thông tin chưa kiểm chứng hoặc dễ gây ra những cách hiểu không chính xác về tác hại cũng như mức độ nguy hại của các dòng sản phẩm so với thuốc lá điếu. Thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua các trang mạng xã hội và internet...
Ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin, sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó rất nhiều loại hương liệu độc hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể gây cháy nổ và pha trộn các chất khác vào dung dịch (ma tuý, cần sa).
WHO khuyến cáo, thuốc lá điện tử nguy hại hơn thuốc lá truyền thống, có thể gây tác động sớm đối với sức khoẻ hoặc gây bệnh phổi kẽ. So với căn bệnh ung thư phổi, bệnh phổi kẽ tiến triển nhanh và tiên lượng xấu hơn. Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng không có công dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.
Các chuyên gia nhấn mạnh, thuốc lá điện tử giá thành rẻ, nhiều hình dạng, hương thơm hấp dẫn cùng những lời quảng cáo về một kiểu hút thuốc không gây hại, sành điệu đã đánh trúng tâm lý của tuổi mới lớn. Nhiều em học sinh không biết hoặc có biết nhưng cố tình bỏ qua những khuyến cáo về những thành phần hóa chất độc hại, thậm chí là cả ma túy có trong thuốc lá điện tử.
Nếu không quyết liệt ngăn chặn thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ lụy nặng nề trong tương lai và các kết quả phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ bị phá bỏ.