Động thái của Brazil diễn ra trong bối cảnh virus cúm gia cầm H5N1 đã được phát hiện ở các loài chim hoang dã trên lãnh thổ Brazil, sau khi chủng virus cúm gia cầm độc lực cao này đã tấn công đàn gia cầm của các nước láng giềng Argentina và Uruguay.
Vào ngày 15/5, phòng thí nghiệm duy nhất được Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) công nhận ở Mỹ Latinh đã xác nhận virus H5N1 xuất hiện ở 2 loài chim hoang dã là nhạn biển và sẻ nâu tại bang Espirito Santo của Brazil. Theo các chuyên gia, dịch cúm gia cầm ở chim hoang dã thường lây sang các đàn gia cầm thương mại.
Trong những tuần qua, Brazil đã bắt đầu sử dụng máy bay không người lái để tuần tra các khu vực nhạy cảm có nhiều loài chim hoang dã sinh sống cũng như áp đặt lệnh cấm nghiêm ngặt đối với những người không có nhiệm vụ tới các trang trại nuôi gia cầm.
Tính từ đầu năm, Chính phủ Brazil đã tăng đầu tư gấp 19 lần để nâng cao năng lực xét nghiệm tại mạng lưới 6 phòng thí nghiệm liên bang và tăng tổng ngân sách cho Dịch vụ Kiểm tra và Sức khỏe Động vật và Thực vật thêm khoảng 12% lên 209 triệu real (42 triệu USD). Ông Rodrigo Nazareno, người điều phối mạng lưới phòng thí nghiệm quốc gia, cho biết: “Mỗi real chi tiêu trong phòng thí nghiệm liên bang Campinas sẽ tránh được khoảng 64 real thiệt hại tiềm ẩn đối với ngành chăn nuôi”.
Brazil hiện là nước xuất khẩu gia cầm lớn nhất thế giới với giá trị gần 10 tỷ USD. Doanh thu xuất khẩu thịt gà của Brazil đã tăng hơn 27% vào năm ngoái. Trung Quốc và Trung Đông vẫn là những khách hàng lớn của Brazil. Trong khi đó, Liên minh châu Âu cũng tăng 23% khối lượng nhập khẩu gia cầm từ Brazil sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát tại Pháp.
Theo các quan chức y tế toàn cầu, các loài chim hoang dã đã phát tán H5N1 mạnh hơn bao giờ hết từ đầu năm 2022 tới nay. Mặc dù con người có thể nhiễm loại virus này nhưng các trường hợp như vậy vẫn rất hiếm và rủi ro đối với con người là thấp.
Nhà dịch tễ học cấp cao tại Đại học Sao Paulo, Masaio Mizuno Ishizuka, cho biết virus H5N1 đến Nam Mỹ thông qua các loài chim di cư. Thông thường các loài chim sẽ chỉ lây lan bệnh cúm gia cầm trong khoảng 5 ngày. Nhưng sự hiện diện của loại virus này trong các sinh vật biển nhỏ là thức ăn của chim hoang dã khiến cúm H5N1 lây mạnh hơn trong năm nay. Bà Ishizuka cũng cảnh báo H5N1 có khả năng đột biến mạnh, hình thành các biến thể mới để tăng khả năng tồn tại.