Trước đó, Nhà máy xử lý rác TP. Cà Mau do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (gọi tắt là Công ty Công Lý) làm chủ đầu tư xin tạm đóng cửa 3 tháng, kể từ tháng 7/2018, để sửa chữa, bảo trì. Tuy nhiên, sau khi hết hạn, chủ đầu tư tiếp tục xin gia hạn thời gian ngưng tiếp nhận rác thêm 3 tháng; đồng thời đưa ra các yêu cầu như tăng mức hỗ trợ xử lý rác; giao thêm 10ha đất theo kế hoạch…
Đến ngày 1/11, ông Lâm Văn Bi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Công Lý. Tại đây, nhiều yêu cầu từ nhà máy đã không được chấp nhận.
Theo đó, ông Bi cho rằng: Tỉnh rất chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, tuy nhiên thời gian tỉnh cho phép nhà máy ngưng hoạt động đến nay đã hết, và sẽ không cho phép nhà máy tiếp tục ngưng hoạt động. Đề nghị chủ đầu tư sớm khắc phục những khó khăn để vận hành lại nhà máy. Đến nay, Nhà máy xử lý rác TP. Cà Mau vẫn chưa hoạt động trở lại.
Còn ông Trịnh Văn Lên - Giám đốc Sở TNMT tỉnh Cà Mau, thông tin: “Hiện nay, một số huyện trong tỉnh vẫn chưa tìm được vị trí làm bãi rác tạm, còn bãi rác tạm ở huyện Đầm Dơi đã không còn khả năng chứa. Nếu tiếp tục để Nhà máy xử lý rác TP. Cà Mau ngưng hoạt động thì việc tập kết, xử lý của các bãi rác tạm sẽ bị khủng hoảng”.
Bãi rác Cái Nước bốc mùi hôi thối khi lượng rác đổ dồn về đây gây quá tải. Ảnh: Chúc Ly. |
Theo ghi nhận của phóng viên tại huyện Cái Nước, để giải quyết tình trạng Nhà máy xử lý rác TP. Cà Mau ngưng hoạt động, huyện đã cho gia cố bãi rác tạm, nhằm đáp ứng lượng rác lớn đổ dồn về đây. Tại đây, bãi rác được gia cố, xây dựng hàng rào.
Ông T.V.T (có nhà gần bãi rác Cái Nước), cho biết: “Khoảng 3 tháng trở lại đây, lượng rác tồn đọng tại bãi rác quá nhiều, rác tràn ra đường đi. Người dân không thể chịu nổi với mùi hôi thối bốc lên hàng ngày. Vợ chồng tôi phải đeo khẩu trang vì mùi hôi không chịu nổi”.
Rác chất đống gây ô nhiễm, dân bức xúc. Ảnh: Chúc Ly. |
“Gió càng lớn mùi thối càng nhiều, vì người ta không chỉ đổ rác phía trong mà đổ ngay sát đường đi, ruồi, nước thối tràn tùm lum. Gia đình tôi sống nhờ buôn bán, còn bây giờ tình trạng rác hôi thối như vậy khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nhà ở đây từ xưa giờ, tôi đành phải chịu đựng chứ không biết đi đâu” - ông T bức xúc nói.
Cùng ý kiến, chị N.Th (ngụ khóm 1, thị trấn Cái Nước), cho hay: “Thời gian gần đây lượng rác đổ về bãi rác của huyện quá lớn, rác chất đống dẫn đến mùi hôi kinh khủng, dân ở gần đây không ai chịu nổi, nhất là người già và trẻ nhỏ. Còn các hộ kinh doanh thì ế khách vì người ta không dám ghé. Ruồi xuất hiện rất nhiều, lúc nào cũng phải đậy kỹ đồ ăn”.
Bãi rác Cái Nước được xây hàng rào gia cố. Ảnh: Chúc Ly. |
Có lúc bãi rác Cái Nước tràn ra tới đường. Ảnh: Chúc Ly. |
Trong khi đó, bà L.T.L (cùng ngụ khóm 1, thị trấn Cái Nước), cho hay: “Rác thải có lúc tràn ra đường, người tham gia giao thông phải chạy nhanh qua bãi rác để khỏi bị thối. Bãi rác ô nhiễm gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của nhiều hộ dân sinh sống gần đó. Người dân mong muốn cơ quan chức năng dời bãi rác đi nơi khác hoặc có biện pháp giảm bớt lượng rác. Người dân thật sự quá khổ vì mùi hôi thối, nhiều hộ gia đình có con nhỏ phải chuyển đến nơi khác”.
Bãi rác tạm TP.Cà Mau. Ảnh: Chúc Ly. |
Tại các huyện khác trong tỉnh, người dân và chính quyền cũng rất lo lắng vì các bãi rác tạm không thể chứa trong thời gian dài, nếu nhà máy rác tiếp tục ngưng hoạt động. Trong khi đó, 2 bãi rác tạm ở huyện Phú Tân và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) đang bị Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau cho đóng cửa vì nằm trong phần đất rừng phòng hộ.
Như Dân Việt đã thông tin, trước đó, đối với việc xử lý lượng rác tồn đọng, UBND tỉnh yêu cầu chủ nhà máy rác khẩn trương tăng tần suất xử lý để giảm bớt lượng rác tồn đọng, xử lý mùi hôi, ruồi, muỗi, gián... tránh ô nhiễm môi trường, phát tán mầm bệnh.
Trong khi đó, báo cáo của UBND phường Tân Xuyên (TP. Cà Mau) cho biết theo phản ảnh của người dân xung quanh khu vực nhà máy trong những ngày thời tiết mưa nhiều, tình trạng nước thải chưa được xử lý được thải ra từ nhà máy gây hôi thối, ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống người dân địa phương. Nhất là ảnh hưởng đến những hộ dân nuôi trồng thủy sản xung quanh khu vực nhà máy, gây thất thoát kinh tế, dẫn đến nhiều bức xúc.
Còn theo UBND xã An Xuyên (TP. Cà Mau) tình trạng ô nhiễm về mùi hôi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân các ấp 5, ấp 2, ấp 8 và 1 phần ấp 10. Song song đó, còn có những đàn ruồi bay vào nhà dân gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Được biết, Nhà máy xử lý rác thải TP. Cà Mau là nhà máy xử lý rác thải duy nhất của tỉnh Cà Mau, đi vào hoạt động năm 2012, tổng công suất 200 tấn rác mỗi ngày, kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng.