Các trường đại học chịu trách nhiệm chất lượng tuyển sinh?

Nhiều hiệu trưởng, chuyên gia giáo dục cho rằng, nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp cho học sinh năm nay, để các trường đại học có phương án tuyển sinh riêng và chịu trách nhiệm về chất lượng tuyển sinh.
Học sinh mong Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi hay bỏ để chủ động học tập
Học sinh mong Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án thi hay bỏ để chủ động học tập
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, nếu học sinh quay lại trường học trước 15/6 thì vẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia; nếu không, Bộ sẽ tính toán phương án khác phù hợp. Hiện có ý kiến trái chiều về phương án không tổ chức thi năm nay.
GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội), nói rằng, từ lâu nhiều người có ý kiến, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT lên tới hơn 90%, vì thế có thể bỏ kỳ thi, đừng sợ không tổ chức thi thì học sinh không học. “Người làm nghề dạy học phải lấy thi để bắt học sinh học là thất bại của dạy học. Bởi vì thi chỉ là một phương thức đánh giá quá trình học tập mà thôi”, ông Tung nói.
Theo ông, Bộ GD&ĐT nên giao việc xét tốt nghiệp cho các trường THPT, sau đó tuỳ nhu cầu mà học sinh học nghề hoặc học tiếp lên ĐH. Các trường ĐH, học viện chịu trách nhiệm về tuyển sinh của mình, chúng ta đừng lo tiêu cực bởi có tiêu cực hay tuyển sinh lỏng tay sẽ mất thương hiệu, xã hội tẩy chay. Tuỳ nhu cầu, đặc trưng riêng, các trường có thể tổ chức thi riêng hoặc thi riêng kèm thi năng khiếu, phỏng vấn… Ông Tung cũng cho rằng, dịch bệnh COVID-19 kéo dài, học sinh, phụ huynh có tâm thế chấp nhận phương án thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia; Bộ GD&ĐT nên quyết định sớm.
Ông Quách Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Sào Báy (huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình), cho rằng, Bộ GD&ĐT nên xét tốt nghiệp để học sinh đỡ vất vả. “Chỉ những em ở vùng có điều kiện, có nhu cầu học tiếp ĐH tiếp tục học sâu để tham dự các kỳ tuyển sinh riêng sẽ hợp lý hơn”, ông Sơn nói. Chỉ có 20-30% học sinh Trường THPT Sào Báy có máy tính, điện thoại kết nối mạng để học trực tuyến. Trường tập trung học sinh 6 xã lân cận, nhưng có em cách trường gần 20 km, còn nhiều khó khăn, mấy tháng nay không tiếp cận được phương thức học mới, ông cho biết. Chưa kể, những năm trước, có tới 95% học sinh của trường thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai dạy học trực tuyến, dạy qua truyền hình cho học sinh lớp 9, lớp 12. Tuy nhiên, đến nay, học sinh Trường THPT Ba Vì ở thủ đô vẫn chưa tham gia học online được 100% vì cơ sở hạ tầng thiếu và yếu. Ông Nguyễn Đình Thắng, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng, xét tốt nghiệp cho học sinh sẽ đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em. 
Tuy nhiên, một số học sinh vẫn thích được tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Hồ Minh Hoàn, học sinh lớp 12, Trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), bày tỏ mong muốn được thi với lý do kỳ thi chung phân loại được học sinh theo từng mức điểm. Dù không được tới trường nhưng học sinh lớp 12 được học trực tuyến tất cả các môn, giáo viên cũng sát sao quản lý học sinh học online, Hoàn nói. Tuy nhiên, nếu kỳ thi THPT quốc gia không diễn ra, Hoàn cũng chỉ cảm thấy “hơi tiếc một chút” và sẽ có kế hoạch học tập để đối mặt kỳ thi tuyển sinh riêng của trường ĐH (dự định thi vào Học viện An ninh Nhân dân).
Theo Tiền Phong
Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.