Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi tới các trường học trên cả nước nêu: Trong quá trình tổ chức dạy học qua Internet có xảy ra hiện tượng bị kẻ xấu xâm nhập vào địa chỉ lớp học, phòng học trực tuyến, đăng tải nội dung xấu, độc, phản cảm, phản giáo dục... có dấu hiệu lạm dụng, quấy rối và bắt nạt trẻ em, học sinh, sinh viên trên mạng, không đảm bảo an toàn và đã gây tâm lý hoang mang cho người học, người dạy; ảnh hưởng đến chất lượng dạy học qua Internet.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Tổ chức tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức, kĩ năng sử dụng Internet, mạng xã hội đảm bảo an toàn, an ninh mạng khi tham gia hoạt động dạy - học qua Internet; kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, tình huống, tác hại có thể xảy ra đối với thầy cô giáo, học sinh sinh viên và cha mẹ học sinh, sinh viên trong dạy học qua Internet.
Giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua Internet tin cậy, có uy tín; khuyến khích sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ GD&ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí khi dịch COVID-19 xảy ra.
Xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua Internet, trong đó hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến; các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên; trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm đối với người học.
Tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, tổ chức hoạt động dạy học qua Internet. Đề nghị phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành nhiều thời gian quan tâm, hỗ trợ học sinh kết nối, sử dụng phòng học trực tuyến an toàn và có biện pháp quản lý trong thời gian học sinh tham gia học trực tuyến và sử dụng Internet.
Bộ GD&ĐT khẳng định: Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu xảy ra các tình huống tiêu cực, giáo viên, học sinh sinh viên, cha mẹ và cán bộ quản lý cần cung cấp thông tin kịp thời tới lãnh đạo nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, ông Huỳnh Quốc Thắng, CEO của 789.vn (đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Giáo dục EQuest), cho biết: Từ 1 giờ sáng 8/4 đến 23 giờ ngày 10/4, 789.vn ghi nhận 3 cuộc tấn công DDoS liên tiếp, đỉnh điểm vào lúc 1 giờ sáng 8/4, hệ thống ghi nhận hơn 2,8 triệu yêu cầu kết nối truy cập cùng lúc nhằm làm tê liệt hệ thống. Sự việc kéo dài trong 2 tiếng và đã được đội ngũ kỹ thuật nhanh chóng ứng phó, xử lý khắc phục.
Trong hai ngày 9 và 10/4, cũng bằng hình thức như trên, hệ thống 789.vn ghi nhận thêm 2 cuộc tấn công nhưng yếu hơn, do đã được các kỹ sư của 789.vn lên các kịch bản ứng phó, và hệ thống bị chậm lại nhưng không bị tê liệt như cuộc trước đó. Các ngày 11 và 12/4 các cuộc tấn công chỉ còn ở mức thăm dò và tìm điểm yếu để tấn công.
Ông Huỳnh Quốc Thắng, CEO của 789.vn cho biết: "Ngay sau khi sự việc diễn ra, chúng tôi đã có thông báo đến các trường, có những trường đã phải dời lịch kiểm tra online toàn trường. Đây là sự việc đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến 200.000 học sinh đang theo học, 40.000 giáo viên đang sử dụng nền tảng học - thi trực tuyến 789.vn".