Cận cảnh bữa cơm cuối cùng của các tử tù

Ngồi xuống bàn, trước mặt Hiếu là một bữa ăn cuối cùng với món xôi gà nhưng Hiếu không ăn mà xin một ly cà phê đen. Có lẽ, trong lúc này, vị đắng của cà phê sẽ làm Hiếu bớt căng thẳng trước cái chết.
Cận cảnh bữa cơm cuối cùng của các tử tù

Văn Đình Hiếu, 25 tuổi, trú tại thôn An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế đã bị đưa ra pháp trường để thi hành bản án cao nhất cho tội danh “Giết người, cướp của”. Trong thời khắc này, dù có cố tỏ ra bình tĩnh nhưng trong lòng Hiếu đang xáo trộn những khoảng khắc, những tâm tư và sự sợ hãi đến tột cùng.

Cận cảnh bữa cơm cuối cùng của các tử tù - anh 1

Ảnh minh họa.

Chẳng ai không sợ khi đối mặt với cái chết được báo trước. Cao ráo, đẹp trai, được học hành tử tế nhưng chỉ vì trót sa chân vào thế giới đỏ đen, Hiếu từ biệt tuổi thanh xuân của mình một cách đầy tội lỗi. Mới đó mà đã gần bốn năm trôi qua kể từ ngày Văn Đình Hiếu đền tội...

Tội ác từ những canh bạc

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, Văn Đình Hiếu là con cả, sau Hiếu còn có 2 người em. Bố mẹ Hiếu quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", vất vả trăm bề chỉ mong kiếm tiền nuôi các con ăn học đàng hoàng, tử tế. Vì là con trai cả, bao nhiêu sự chăm lo, vun vén đều dành cho Hiếu nhưng đáp lại công lao trời bể của cha mẹ là sự sa chân vào những canh bạc đỏ đen của Hiếu.

Chẳng ai giàu lên từ những canh bạc, thường thì những con bạc khi thắng lại tiếp tục chơi để mong kiếm thêm tý nữa và khi thua thì càng lao vào cố gỡ gạc. Hiếu cũng vậy. Nhưng càng gỡ thì càng thua. Tài sản có giá trị nhất của gia đình là chiếc xe máy Tàu cũng bị Hiếu mang đi cầm cố để "nướng" vào những canh bạc. Nhưng vận may dường như chẳng mỉm cười với Hiếu, thua hết số tiền cầm xe, Hiếu càng cay cú vay mượn của những tay anh chị để gỡ gạc.

Hiếu trở thành một con nợ chui lủi trước sự săn đuổi của chủ nợ. Nhà cũng không dám về, tiền không có biết đi đâu. Trong lúc cùng đường, Hiếu chợt nhớ đến bà ngoại thứ của mình ở trong Ninh Thuận khá giàu có, đã từng cưu mang Hiếu trong những năm Hiếu học Trường Trung cấp Nghề ở đây.

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Văn Đình Hiếu trọng tội "Giết người, cướp của", Hiếu rành rọt khai nhận. Chiều ngày 7/4/2008, Hiếu đón xe từ Huế vào Ninh Thuận đến nhà bà ngoại thứ và ra tay sát hại khiến bà ngoại tử vong, còn ông ngoại bị thương nặng. Hiếu bị bắt sau mấy ngày lẩn trốn và phải nhận bản án tử hình sau hơn 5 tháng gây án.

Phút cuối của kẻ tử tù

Cơn mưa tầm tã kéo dài suốt từ chiều ngày 27/10/2010 đến rạng sáng ngày 28 mới chợt tạnh. Sáng nay, tử tù Văn Đình Hiếu sẽ thi hành bản án của mình. Biết rồi cũng sẽ có ngày hôm nay, nhưng từng thời khắc, từng phút giây trôi qua đối với Hiếu thật nặng nề và chậm chạp, tâm trạng của Hiếu cũng biến đổi liên hồi.

Cả đêm không ngủ, chỉ chợp mắt những lúc quá mệt và giật mình xem thử đã đến giờ ra pháp trường chưa. 3h sáng, ngày 28/10, tử tù Văn Đình Hiếu được trích xuất từ phòng giam ra hội trường Trại tạm giam Công an tỉnh Ninh Thuận.

Tại đây, Hiếu được cán bộ, chiến sĩ các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh thăm hỏi ân cần và được thông báo là lát nữa đây, Hiếu sẽ được đưa đến pháp trường. Vì lẽ, cho dù con người ta có gây ra tội ác tày trời đến nỗi phải đền tội bằng cái chết mới xứng đáng, nhưng trước khi đền tội, một câu ân cần thăm hỏi sức khỏe cũng có thể làm họ ra đi nhẹ nhàng.

Hiếu mập mạp hơn hôm trước tòa, một đêm mất ngủ nhưng không làm đôi mắt thâm quầng, khuôn mặt khá điển trai của Hiếu bỗng trở nên nhợt nhạt hơn. Dường như đó chính là trạng thái vốn thường có ở những bị án phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, cần phải tách rời đời sống xã hội.

Ngồi xuống bàn, trước mặt Hiếu là một bữa ăn cuối cùng với món xôi gà. Mở to đôi mắt nhìn mọi người trong trạng thái hốt hoảng, sợ sệt, Hiếu cúi nhìn bữa ăn trước mặt một cách vô thần. "Anh ăn một chút đi", tiếng hỏi ân cần của một cán bộ trại giam.

Hiếu hít một hơi rất sâu, cố trấn tỉnh rồi đáp: “Tôi không ăn nổi. Cho tôi một ly cà phê đen”. Yêu cầu của Hiếu được đáp ứng. Không khí trong căn phòng lặng im vài phút, thật ngột ngạt. Hiếu giơ đôi bàn tay bị còng bưng ly cà phê nhấp một ngụm. Cũng có thể, trong lúc này, vị đắng của cà phê sẽ làm Hiếu bớt run sợ, bớt căng thẳng trước cận kề cái chết.

Rồi cũng đến phần hoàn tất các trình tự thủ tục pháp lý đối với một tử tù trước khi ra pháp trường. Hiếu dễ dàng nhận ra gương mặt khá quen thuộc của vị điều tra viên đã đối diện với Hiếu trong suốt quá trình điều án giết người của Hiếu. Thẩm vấn lần cuối: “Bị án phạm tội gì?”.

Chẳng hiểu sao, sau câu hỏi của điều tra viên, Hiếu bỗng trở nên bình tĩnh lạ thường, nét sắc lạnh của tên sát nhân hiện lên khuôn mặt. Phải chăng Hiếu đang cố trấn tĩnh mình, hay chưa tin đây là lần hỏi cung sau cuối đối với hắn. Hiếu đáp gọn lỏn: “Giết người, cướp của”.

Tiếng của điều tra viên vẫn đều đặn “Bị án nghĩ gì về hành vi của mình?”. “Tôi sai tôi phải lãnh. Hai ngày qua, tôi có linh tính là giờ phút này sẽ đến. Mong mọi người hãy tha lỗi cho tôi”...

Chỉ đến khi câu hỏi cuối cùng của vị điều tra viên hỏi: “Bị án có nhắn gì về gia đình không?”. Hiếu mới thực sự chùng xuống, khẽ khàng đáp trong hơi thở run rẫy “Nhờ chuyển lời mong địa phương quê nhà giúp đỡ mẹ tôi, xin bố mẹ tha lỗi cho đứa con bất hiếu này”. Có lẽ đây chính là lời nói thật từ tấm lòng của Hiếu. Song đã quá muộn.

Trời mưa lất phất. Đoàn xe của Hội đồng Thi hành án tử hình tỉnh Ninh Thuận nối nhau đưa Hiếu đến pháp trường ở chân núi Ngỗng thuộc xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn. Hàng trăm người dân lâu nay theo dõi vụ án đang đội mưa đứng chờ giờ phút pháp luật thi hành bản án.

Đường vào Núi Ngỗng quanh co, lầy lội sau trận mưa kéo dài từ chiều qua. Mọi việc đã được chuẩn bị sẵn sàng, vị quan tòa đọc lần cuối bản án giết người, cướp của dã man của Hiếu và quyết định không chấp thuận xin ân xá tội tử hình của Chủ tịch nước. Lệnh thi hành án tử hình đối với tử tù Văn Đình Hiếu được thực hiện.

Trong đám đông người dân xem thi hành án tử hình tên giết người, cướp của, đâu đó vẫn có vài giọt nước mắt khóc thương dùm cho gia đình hắn. Giá như đừng đam mê cờ bạc, giá như biết dừng lại đúng lúc, hẳn Hiếu đã sẽ có được một cuộc đời như bao người. Dòng người ra về trong lặng lẽ. Mưa vẫn lất phất rơi. Một quy luật không bao giờ sai “ Gây nên tội phải đền tội”.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).