Đóng góp ý kiến về việc triển khai các nội dung về đổi mới giáo dục, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần có những quy định rõ ràng hơn, nhất là đối với vấn đề tự chủ giáo dục theo hướng thay đổi tư duy về tự chủ nhưng cũng phải thay đổi cả tư duy về quản lý nhà nước; đặc biệt, phải coi học phí đối với người học là nguồn đầu tư và theo thông lệ quốc tế, học phí bao giờ cũng bằng hai năm tiền lương sau khi tốt nghiệp.
Để Đại học không phải là “Học đại”
Theo đại biểu Lê Quân (Cà Mau), nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được nhiều thành công và Chính phủ đã quan tâm, Quốc hội cũng quan tâm với nhiều đạo luật mới và nhiều nghị định mới trong đó có vấn đề tự chủ đại học và các cơ sở dạy nghề. Tuy nhiên, theo đại biểu, trong quá trình triển khai nội dung này còn khá nhiều vướng mắc cần Chính phủ quan tâm giải quyết trong 6 tháng cuối năm cũng như trong 5 năm tới.
“Chỉ khi chúng ta triển khai tốt vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp mới có nhanh được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển”, đại biểu Lê Quân nêu ý kiến.
Đề cập đến những giải pháp cần khắc phục trong thời gian tới, đại biểu tỉnh Cà Mau phân tích: Thời gian qua các cơ sở giáo dục đóng góp rất quan trọng vào việc cắt giảm chỉ tiêu biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Theo chủ trương của Chính phủ, có rất nhiều chính sách thiết thực thay đổi , chúng ta không còn hiểu tự chủ đi liền với cắt giảm chi thường xuyên của ngân sách nữa nhưngquá trình triển khai còn rất lúng túng.
Theo đại biểu, chủ trương chuyển từ chi thường xuyên sang chi đặt hàng, nhưng việc chi đặt hàng vô cùng khó khăn và thiếu hành lang pháp lý. Hiện nay, những lĩnh vực như an ninh quốc phòng hoặc sư phạm thì có thể đặt hàng nhưng đó là những chỉ tiêu cho các khu vực công, còn lại khu vực tư, đa phần là các doanh nghiệp không thể ký trực tiếp đặt hàng, trừ một số doanh nghiệp lớn cần nhân lực kỹ thuật sâu và kỹ thuật chuyên môn nâng cao.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, rất nhiều cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển sang tự chủ nhưng lại không nhận được chi thường xuyên. Đại biểu Lê Quân cho rằng, việc ưu tiên cho phát triển giáo dục đại học và nghề nghiệp thì đòi hỏi ngân sách của nhà nước phải tăng lên hàng năm chứ không có nghĩa là giảm đi được. Do đó, đại biểu kiến nghị với Chính phủ trong thời gian tới cần chuyển việc chi thường xuyên của các cơ sở giáo dục sang tự chủ thành chi đầu tư.
“Chúng ta có thể không chi lương, nhưng hoàn toàn có thể chi đầu tư để giúp nâng cao chất lượng và thu hút được người học”, đại biểu Lê Quân nhấn mạnh.
Đại biểu tỉnh Cà Mau cũng cho rằng, mức trần học phí thực tế hiện nay là thấp so với kỳ vọng và yêu cầu của các cơ sở giáo dục. Do đó, cần có quan điểm là làm sao có chính sách thật tốt để con em nghèo học giỏi hoặc các em học giỏi có thể tiếp cận được học bổng và được đảm bảo quyền học đại học.
Phân tích kỹ hơn, ông Lê Quân cho rằng, Nhà nước phải đảm bảo học phí cũng là một rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học đại học và trở thành "học đại". Nghĩa là làm sao để người học coi học phí là nguồn đầu tư và theo thông lệ quốc tế, học phí bao giờ cũng bằng gần hai năm tiền lương sau khi tốt nghiệp, như vậy mới đảm bảo được chính sách này. Do đó, đại biểu kiến nghị, làm sao để cho các cơ sở giáo dục không nhất thiết phải tự chủ hoàn toàn mới được xác định học phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật.
Thay đổi tư duy về quản lý nhà nước
Đưa ra giải pháp mang tính bền vững, đại biểu Lê Quân cho rằng, thay đổi tư duy về tự chủ nhưng cũng phải thay đổi cả tư duy về quản lý nhà nước. Nhiệm kỳ trước chúng ta đã có những chuyển biến rất tích cực, nhiệm kỳ này cần tiếp tục chuyển biến mạnh hơn. Tự chủ thì phải quản lý chất lượng đầu ra và đánh giá được bộ chỉ số để đánh giá hiệu quả cũng như chất lượng của từng cơ sở, của từng ngành nghề và vấn đề việc làm, chất lượng việc làm và đáp ứng nhu cầu của xã hội.
“Tự chủ phải buộc các cơ sở giáo dục giải trình được đóng góp của mình đối với xã hội chứ không nên hiểu theo nghĩa tự chủ là phải đếm m2, hay số giáo viên để giao chỉ tiêu và can thiệp quá sâu vào vấn đề nhân sự”, ông Lê Quân nhấn mạnh.
Theo đại biểu tỉnh Cà Mau, hiện có những quy định như bắt buộc Chủ tịch Hội đồng trường phải là cán bộ cơ hữu cũng là hạn chế vì nhiều cơ sở giáo dục hiện nay có thể mời những người rất có vai trò quan trọng với trường tham gia để điều hành Hội đồng trường. Bên cạnh đó, quan điểm, dạy chính quy xong mới được dạy tại chức, dạy đại học xong mới được dạy cao học cũng cần thay đổi để đảm bảo các cơ sở được tự chủ về học thuật cao hơn.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) cho rằng, trong 5 năm tới, Chính phủ và ngành giáo dục cần kiên trì, kiên quyết triển khai các mục, các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Hiện nay, Bộ Giáo dục đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, theo đại biểu, cử tri mong muốn chiến lược này cần sớm được ban hành để tạo sự thống nhất trong triển khai các nhiệm vụ kế hoạch giáo dục và đào tạo của toàn ngành và từng địa phương trong năm 2021. Từ thực tế đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm triển khai thật tốt lộ trình thay sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Đây là vấn đề rất hệ trọng, sẽ được triển khai trong suốt nhiệm kỳ 2021- 2025. Do đó, việc thay sách giáo khoa cần phải triển khai khoa học, bài định kỳ nên có đánh giá lại tình hình triển khai và liên tục rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo”, đại biểu Ma Thị Thuý nêu ý kiến