Theo đó, ngày 9/5/2022 Bộ Y tế có công văn 2348/BYT-KH-TC gửi BHXH Việt Nam về việc bãi bỏ công văn 2009 với nội dung liên quan đến việc thanh toán các dịch vụ kỹ thuật trong sử dụng, liên doanh hợp tác mượn máy, đặt máy… do các đơn vị trúng thầu cung ứng sinh phẩm, hoá chất tại bệnh viện. Đến ngày 12/5/2022, BHXH Việt Nam có công văn 1261 yêu cầu các bệnh viện dừng thanh toán theo chế độ BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật này.
Có thể có nhiều lý do khi Bộ Y tế và BHXH Việt Nam ra các công văn trên. Để không mang tính quy chụp, bài viết này tôi xin được nhìn ở góc độ lợi và hại trong xã hội hoá, liên doanh, liên kết đặt máy, gửi máy tại nhiều bệnh viện công để có góc nhìn đầy đủ hơn về mô hình này.
“Nhìn đi” thì đây là việc cần làm, càng nhanh càng tốt vì sẽ có lợi cho quỹ BHYT cũng như người bệnh. Tuy nhiên, phải có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh của người bệnh, hoạt động của bệnh viện cũng như quyền lợi của các nhà đầu tư, chứ không phải “triệt buộc” khẩn cấp như cách mà BHXH và Bộ Y tế đưa ra. Tuy nhiên, “nhìn lại” thì các công văn lại chưa thoả đáng và quá vội vàng khiến nhiều bệnh viện không kịp trở tay. Các doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Ngoài việc người bệnh lo ngại khi đi khám chữa bệnh không được BHYT chi trả các kỹ thuật như trước thì trong nội bộ ngành y cũng có một số ý kiến bày tỏ thái độ không đồng tình. Bởi việc “xã hội hoá” trong y tế đã diễn ra hàng chục năm qua, có những mặt được và chưa được.
“Xã hội hoá” y tế nói chung, việc liên doanh liên kết, hợp tác… đặt máy, cho mượn máy tại các bệnh viện công đã góp phần giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh, giảm tải, cải thiện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân cũng như cải thiện chất lượng khám chữa bệnh.
Dù rằng, việc phân bổ phân bổ ngân sách cho y tế đã nâng từ 6,3% lên gần 7,2% (tính đến năm 2020) nhưng nhiều cơ sở y tế còn lạc hậu, thiếu thốn… và phải chi cho y tế dự phòng hơn 20%, ưu tiên cho các vùng sâu vùng xa, cũng như dàn trải cho hơn 60 tỉnh thành thì khác nào là “muối bỏ bể”.
Với nhu cầu cao, chi phí đầu tư lớn nhưng ngân sách có hạn, ngành y tế nói chung và các bệnh viện những năm qua đã phải nỗ lực xoay sở vừa “liệu cơm gắp mắm” vừa phải tự “giật gấu vá vai”. Nguồn tích luỹ, tái đầu tư với số tiền tích cóp hàng năm gần như không đáng kể. Việc triển khai thực hiện các dự án, đấu thầu trong y tế lại đặc thù nên gặp không ít khó khăn... Trong khi nhu cầu khám chữa bệnh lại luôn cấp thiết. Trang thiết bị, công nghệ trong y học phát triển từng ngày.
Như vậy, để "chia lửa" cho tình trạng quá tải tại các bệnh viện do thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế thì việc xã hội hoá, liên doanh liên kết, đặt máy và mượn máy bản chất của nó là một giải pháp tình thế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì mô hình này đang ngày càng “biến tướng”, lộ ra không ít kẽ hở dẫn đến nguồn lợi chảy vào túi tư nhân.
Cách đây ít năm, một bệnh viện liên kết với nhà thầu, hợp tác liên kết đặt máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... với tổng kinh phí đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nhưng điều đáng nói là giá trị của hệ thống trang thiết bị đã bị “thổi giá” lên 200%, thậm chí là hơn 300% so với giá thành thiết bị tương ứng kê khai tại hải quan. Điều này khiến giá thành và thời gian khấu hao cao hơn nhiều.
Kết quả là giá mà bệnh viện và đối tác đề xuất thanh toán cho kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán bằng hệ thống này cao hơn giá BHYT chi trả cho kỹ thuật tại thời điểm đó, khiến gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh đổ lên ngân sách (BHYT) cũng như người bệnh. Kết quả thanh tra bệnh viện kể trên sau 10 năm có tổng doanh thu hơn 370 tỷ đồng nhưng bệnh viện chỉ nhận về được 20 tỷ đồng. Trong khi số tiền 350 tỷ đồng đã vào túi của đối tác liên doanh.
Theo báo cáo tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân trước đây của một địa phương, cho thấy tỷ lệ lợi nhuận mà các bệnh viện thu được từ liên doanh đặt, gửi máy chỉ khoảng 10-20% lợi nhuận, đối tác liên doanh hưởng từ 80-90%. Trong khi bệnh viện lại góp phần không nhỏ cho việc hợp tác liên doanh, từ nguồn bệnh, nhân lực cho đến cơ sở vật chất, hạ tầng, điện nước….
Bên cạnh đó, tại nhiều bệnh viện công, tình trạng đặt, cho mượn máy để bán hoá chất, sinh phẩm cũng diễn ra khá phổ biến. Các doanh nghiệp hoạt động trên nguyên tắc lợi nhuận nên thường đi cùng một số điều kiện như phải mua hoá chất, sinh phẩm đi kèm. Để khấu hao chi phí đặt máy, các doanh nghiệp cung ứng sinh phẩm, hoá chất đi kèm sẽ tính khấu hao thiết bị vào giá thành hoá chất, sinh phẩm. Chưa kể việc “vay, mượn” sinh phẩm, hoá chất, dùng trước đấu thầu sau… có thể khiến người ta cho rằng có sự thông thầu. Mà hàng loạt sai phạm trong việc đấu thầu, chỉ định thầu trong đợt chống dịch Covid-19 vừa qua là hồi chuông báo động về thực trạng mượn, đặt máy tại nhiều cơ sở y tế.
Người xưa có câu “dục tốc bất đạt”. Trước khi đưa ra công văn này Bộ Y tế nên đề nghị các bệnh viện rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình các dịch vụ kỹ thuật liên doanh liên kết với đối tác. Tính toán đến việc hệ thống thiết bị nào đã hết hạn thì kê khai, chuyển đổi thành trang thiết bị của bệnh viện hoặc lên phương án trả lại cho đối tác liên doanh.
Đối với các trang thiết bị đã qua 1/2 thời gian triển khai thì tính toán đề xuất. Hoặc tiếp tục thực hiện cho hết hợp đồng nhưng cân đối lại tỷ lệ giữa các bên cho phù hợp. Hoặc bệnh viện được vay ngân sách, ngân hàng để hoàn số vốn lại cho nhà đầu tư, bệnh viện sẽ thu chi tiếp tục cho đến khi hoàn tất dự án trước đây. Đây là việc nằm trong khả năng của các bệnh viện. Vấn đề là phải tạo ra cơ chế. Cả BHXH và BHYT nếu được có thể dùng khoản tiền "nhàn rỗi" để giúp các bệnh viện có nguồn vốn đầu tư không lãi.
Đây là cách làm một công đôi việc, giúp cho BHYT nắm vững được thực chi để đưa ra mức giá dịch vụ kỹ thuật cũng như giám sát được hoạt động này. Đồng thời sẽ giảm được chi phí khám chữa bệnh, giúp cho ngân sách và bệnh nhân giảm đi gánh nặng chi phí không đáng có. Và đó là một cách hành xử sòng phẳng với những doanh nghiệp đối tác. Trong quá trình ra soát, nếu phát hiện bất thường, sai phạm thì tuỳ theo mức độ mà xử lý.
Dù sao, nhìn ở góc độ nào đó, xã hội hoá y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ người dân, vì sự phát triển của ngành y cũng như lợi nhuận doanh nghiệp hợp lý là điều đáng được ghi nhận. Nhưng làm thế nào để xây dựng hàng rào pháp lý ngăn ngừa tiêu cực, lợi ích nhóm để việc xã hội hoá một cách minh bạch, sòng phẳng thì vẫn hay hơn là quản không được thì… cấm.
Việc BHXH, Bộ Y tế xem xét chấn chỉnh lại các liên doanh, liên kết cũng như việc đặt, cho mượn máy là điều cần làm. Tuy nhiên, phải có lộ trình và giải pháp cụ thể. Thay vì quả bóng trách nhiệm đá qua chuyền lại như việc làm vừa qua không chỉ khiến những người làm chuyên môn rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” mà còn khiến quyền lợi, sức khoẻ của người dân bị ảnh hưởng.