Thế nhưng, mọi việc vẫn chưa kết thúc, dư âm của nó để lại đến giờ không hẳn là chuyện gần 500 người, đơn vị y tế làm đơn xin giảm án cho Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm trong vụ án mà là hàng loạt địa phương lâu nay không khỏi khốn đốn trong công tác phòng chống dịch.
Thử tính, hiện nay, mỗi tỉnh thành dân số trên dưới một triệu người, nhưng năng lực xét nghiệm và điều trị ra sao?. Có những địa phương hiện công tác xét nghiệm chỉ khoảng trên dưới 1000 mẫu/ngày. Số giường hồi sức, điều trị bệnh nhân năng, máy thở chỉ trên đầu ngón tay.
Đến các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp lớn như Long An, Bình Dương, Đồng Nai… có “điều kiện” hiện cũng như ngồi trên đống lửa phần vì năng lực hiện có, phần vì thiếu trang thiết bị trong tình huống dịch lan mạnh. Đồng cảnh ngộ là Phú Yên, Đồng Tháp… Nhiều tỉnh thành khác hiện cũng chung số phận.
Dịch còn diễn biến khó lường nhưng các địa phương thời gian qua gần như ngồi nhìn bất lực. Không tin, cứ hỏi các tỉnh thành, các đơn vị y tế xem họ có kinh phí không? Có muốn mua thiết bị vật tư không? Hẳn câu trả lời của nhiều người, nhiều đơn vị là có. Có nhưng sao lại không dám làm?
Không làm vì nhiều lý do, trong đó có một câu mà tôi từng nghe nhắc tới đó là có thể "người ta như chim sợ cành cong", hay cũng có phần nào nhát, sợ trách nhiệm... Bởi mua mà không khéo thì lại giống “CDC Hà Nội thứ hai”.
Không sợ, không lo sao được nếu bên cạnh những tiêu cực mang tính chủ quan thì vẫn còn đó không ít yếu tố rủi ro khách quan đi kèm. Từ những rào cản, những bất cập không đáng có hoặc chưa có trong hệ thống hành lang pháp lý cho việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế lâu nay đã tồn tại mà người ta luôn xem nó như "cái bẫy" chờ sẵn, có thể sập xuông đầu bất cứ khi nào với kiểu "tình ngay, lý gian".
Xin hỏi, việc mua sắm đơn vị có tự quyết được không?. Khi đơn vị, lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm nhưng muốn mua sắm đôi khi còn chờ ý kiến từ ai đó. Mua sắm, không theo nhu cầu, không dựa vào năng lực thực tế, không cân đo đong đếm hiệu quả, không làm chủ được giá… nhưng lại “khuyến mãi” kèm trách nhiệm thì khác nào đút đầu vào rọ, đem dao kề cổ, thì liệu mấy ai “dại dột” mà làm?.
Tạm gác qua chuyện trách nhiệm thuộc về ai, hãy nhìn vào những quy định, những bất cập trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế hiện nay mà xem, việc tư vấn, chào thầu, mời thầu không dễ chút nào. Bởi, trang thiết bị, vật tư y tế là một dạng hàng hoá đặc biệt, không phải ai cũng biết và thực sự là khó mà biết hết. Bởi nó vừa mang nặng tính chuyên môn, vừa mang tính độc quyền, đặc thù… đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp. Trong khi, người trong nghề như bác sĩ thì biết mảng điều trị, nhu cầu. Kỹ thuật viên thì nắm mảng cấu hình đời máy, công suất. Kế toán thì biết giá, chi phí lỗ, lãi. Phòng kế hoạch thì biết nhu cầu...
Do đó, muốn đấu thầu hiệu quả, nhanh chóng không còn cách nào khác và tốt hơn nếu để cho chính chủ đâu tư được tự quyết. Hiện, các đơn vị y tế đã được giao tự chủ tài chính, vậy hãy xem đơn vị tự chủ mua sắm, đấu thầu, lời ăn lỗ chịu. Việc đấu thầu công khai và được giám sát bởi chính cán bộ, nhân viên đơn vị.
Đừng để đấu thầu theo hình thức như hiện nay, kiểu đối phó, khách quan... cho có. Không chỉ CDC Hà Nội mà theo tìm hiểu của tôi, lâu nay, cho dù chủ đầu tư có thuê đơn vị thứ 3 làm hồ sơ mời thầu, tư vấn đấu thầu... thì vẫn khó thoát khỏi cảnh công ty xây dựng, tư vấn hồ sơ mời thầu không có đủ năng lực chuyên môn, kiến thức cả về chuyên môn, kỹ thuật và giá cả. Bởi vậy mới có chuyện từng xảy ra đó là có những đơn vị tư vấn mời thầu lại copy gần 90% thông tin trên catalogue sản phẩm của một đơn vị tham gia đấu thầu.
Kết quả thầu thì ai cũng biết. Các trang thiết bị khác tất nhiên là “trượt từ vòng gửi xe” , bởi thiết bị hãng này sao có thể có những thông số kỹ thuật, cấu hình như máy hãng kia. Và đương nhiên là thiết bị giống với những gì mà hồ sơ chào thầu đưa ra thắng thầu dù với giá trên trời. Khi sự việc đổ bể, mới thấy “giá trị” của bên thứ 3 làm – tức đơn vị tư vấn hồ sơ mời thầu là chỉ làm tốn thêm kinh phí và có nơi để người ta đùn đẩy trách nhiệm bởi đã có đơn vị tư vấn theo quy định.
Thật đáng mừng, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, với quyết tâm chống dịch, bảo đảm công tác khám chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các địa phương, đơn vị chống dịch, cá nhân phải nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, "không được nói thiếu tiền, thiếu cơ chế…".
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ban, ngành, các địa phương có nhiệm vụ khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, chủ động sẵn sàng trang thiết bị, vật tư thiết yếu để phục vụ cho công tác phòng chống dịch hiệu quả. Thủ tướng nhấn mạnh, cần xem xét tháo gỡ vướng mắc theo cơ chế tình huống phòng chống dịch.
Như vậy, đây vừa là “phát súng hiệu lệnh" cho các đơn vị cần mạnh dạn thực hiện yêu cầu, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, “dám làm, phải làm và phải chịu trách nhiệm”, vì một mục tiêu bảo vệ sức khoẻ, tính mạng cho người dân. Nếu thực sự muốn làm, không tư lợi, không lợi ích nhóm mà vì dân, vì cuộc chiến chống Covid-19 hiệu quả thì các đơn vị còn chờ gì nữa?!