Dư luận cho rằng, đây là một văn bản vô cảm, lạc lõng thậm chí là đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ, đang vận động, kêu gọi các cấp các ngành, người dân ủng hộ chống dịch (mua Vắc xin, vật tư trang thiết bị và công sức...) với phương châm “chống dịch như chống giặc” và cũng đi ngược với nguyện vọng của nhân dân.
Ngày xưa, các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, trước những kẻ thù hùng mạnh, để huy động tối đa sức người sức của, dân tộc ta đã đoàn kết, tương thân tương ái vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đi tới con đường thắng lợi. Lịch sử còn ghi nhớ những “tuần lễ vàng”, hũ gạo kháng chiến...
Ngày nay, đại dịch toàn cầu Covid-19 đang hoành hành khiến cả thế giới ngập trong cơn nguy khốn. Tại Việt Nam, khi đợt dịch thứ 4 đang bùng phát, lan rộng mà chưa có dấu hiệu chững lại, khi các cơ quan đoàn thể đang kêu gọi doanh nghiệp, người dân cùng đồng lòng, chung sức chống dịch Covid-19 thì không hiểu sao Sở Y tế TP.HCM lại ra một văn bản như thế!
Sở Y tế cho rằng các văn bản này đã bị lợi dụng phát tán trên mạng xã hội gây dư luận không tốt đối với ngành y tế TP. Đối với các nội dung liên quan đến việc vận động hỗ trợ, tài trợ đề nghị các đơn vị, cơ quan trực thuộc có văn bản gửi về Sở để tổng hợp, kiến nghị Ban vận động quỹ phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM xem xét hỗ trợ theo đúng quy định. Sở Y tế đề nghị các cơ quan đơn vị thuộc Sở chấn chỉnh ngay việc phát hành thư ngỏ, các văn bản vận động hỗ trợ, tài trợ cho đơn vị mình. Không tự ý phát hành các văn bản này khi không được sự đồng ý của Ban Giám đốc Sở Y tế hoặc các cơ quan thẩm quyền.
Đọc văn bản này, nhiều người vô cùng bức xúc vì nhiều lý do. Ví dụ như, đã bao lâu nay, các cơ sở y tế, bệnh viện, nhân viên y tế thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ, người bệnh thiếu sinh phẩm thiết bị xét nghiệm, thiếu cơm ăn, nước uống vì thiếu kinh phí, thiếu nguồn cung cấp... đã nhiều lần đề xuất, phản ánh kiến nghị nhưng không có ai giải quyết hoặc nó rơi vào im lặng. Chẳng đặng đừng, vì không thể bỏ rơi bệnh nhân, không thể làm việc trong hoàn cảnh nguy cơ rình rập, nhiều cơ sở y tế, bệnh viện hay y bác sĩ mới phải “làm cái bang xin đồ bảo hộ, cơm nước, đường sữa cho người bệnh”.
Thay vì nhận ra thiếu sót của mình để có giải pháp khắc phục thì Sở lại cho rằng việc làm trên làm ảnh hưởng đến “Uy tín” ngành y tế TP.HCM.
Uy tín có còn, khi hàng ngàn nhân viên y tế “tay không bắt giặc”, thiếu thốn trang thiết bị, phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của họ, của người thân, đồng nghiệp và cả người bệnh?. Uy tín gì khi người bệnh vào khu điều trị cả ngày trời không có cơm ăn, nước uống, thuốc men?. Ai chịu trách nhiệm nếu y bác sĩ bị phơi nhiễm?.
Chưa kể, đến giờ phút này, tôi chưa thấy cái điều Sở Y tế lo ngại đề cập trong văn bản trên thế nào nhưng tôi thấy và tính được hàng ngàn y bác sĩ, người bệnh được an toàn hơn, bớt nguy cơ lây nhiễm hơn cũng như thấy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái bền chặt hơn, sâu sắc hơn từ những việc làm thực tế, cấp bách đó.
Tôi thật xúc động khi nhìn thấy những chuyến xe chở các đoàn tình nguyện, các đoàn xe chở nhu yếu phẩm từ khắp nơi hướng về TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.... Hay, những người nông dân chân lấm tay bùn, em nhỏ tay xách nách mang những trái bầu trái bí, những bó rau xanh đem đi ủng hộ cho TP.HCM. Hay hình ảnh những người phát cơm từ thiện, ai có ít giúp ít, ai có nhiều ủng hộ nhiều, dù là tự phát nhưng đó là tấm lòng “vì miền Nam ruột thịt”, vì TP.HCM của đồng bào cả nước.
Vậy mà không hiểu sao, Sở Y tế TP lại có thể dửng dưng ra một văn bản vô cảm thế này! Lãnh đạo Sở nên hiểu rằng, việc ủng hộ của người dân với các y bác sĩ, các cơ sở y tế không chỉ là vật chất mà nó còn là sự động viên, là sự cảm thông, chia sẻ chung vai sát cánh của người dân trong lúc nguy nan khốn khó.
Văn bản này thật lạc lõng với chính đồng nghiệp, cấp dưới của mình khi họ đang phải đối diện với nguy hiểm, với sự thiếu an toàn lao động tối thiểu và lạc lõng với cả những bệnh nhân xem họ như "mẹ hiền".
Tôi nghĩ, Sở Y tế TP nên nhìn vào việc làm của lãnh đạo Khánh Hoà, nên có một thái độ cầu thị, chân thành và rút lại cái văn bản kia.
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương.
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Bầu ơi, thương lấy bí cùng.
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn."