Trước đó, vào ngày 1/4, là ngày đầu thực hiện cách li toàn xã hội, Sài Gòn cũng có 3 bệnh nhân khỏi bệnh và được ra viện. Như vậy, thành phố này đã có 18 người khỏi bệnh.
Nhưng cuộc đua chống dịch không vì thế mà giảm nhiệt, thậm chí ở đường đua mang tên “ổ dịch bar Buddha” còn phải tăng tốc thêm, để ổ dịch lớn nhất phía Nam nay không lan rộng thêm được nữa. Và chính quyền quận 2 cũng thông tin thêm rằng, quán bar này đăng ký kinh doanh bằng cái tên Bvddha chứ không phải Budda. Có lẽ đó là thủ thuật “lách tên” để chuỗi bar này vào và hoạt động tại Việt Nam. Bây giờ, trước mắt là cần phải chống dịch, sau đó, chính quyền thành phố nên nghĩ đến chuyện phạt nghiêm khắc hơn đối với quán bar này.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC, thuộc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh) cho biết đơn vị này đang đẩy nhanh việc xét nghiệm COVID-19 bằng cách chuẩn hóa phòng xét nghiệm ở các bệnh viện, nhập bộ xét nghiệm nhanh,…
Nút giao thông ngã tư Hàng Xanh trở nên thông thoáng ngay cả giờ cao điểm. - Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Mục tiêu là trong 1 tuần tới, mỗi ngày thành phố sẽ xét nghiệm được khoảng 5.000 mẫu. Còn kỹ thuật xét nghiệm mới sẽ cho kết quả sau 20 phút, thay vì 4-6 tiếng đồng hồ như hiện nay. Những nỗ lực không ngừng nghỉ để thành phố nhanh bước qua dịch bệnh.
Còn ở ngoài kia, ý tôi là ở ngoài đường phố, dáng hình vắng vẻ tiếp tục tiếp diễn. Tôi dừng lại một chút trên cầu vượt ngã tư Hàng Xanh nhìn xuống, về phía bến xe miền Đông, xe cộ rất ít. Trước khi thực hiện cách li xã hội để chống dịch, nút giao thông này luôn dày đặc xe cộ vào giờ tan tầm như thế này. Có lẽ, hình ảnh thông thoáng ấy sẽ còn tiếp diễn, ít nhất là cho đến hết ngày 15/4.
Tôi chạy xe qua trung tâm quận 1, đứng tựa lưng vào rào chắn bằng tôn của một công trình. Phía đối diện là chợ Bến Thành, rất vắng người, cổng vào gần như khép hờ, những ki-ốt đóng kín bưng cửa. “Lâu lâu nhìn cũng lạ lạ, ha?” - ông người đàn ông trung niên bắt chuyện khi tôi tiến về phía ông, có lẽ ông đã nhận ra sự “quan tâm” của tôi đối với chợ Bến Thành vì thấy tôi chụp ảnh.
Hoàng hôn Sài Gòn. - Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Người đàn ông ấy tên Dũng, người gốc Ninh Thuận, kiếm sống bằng nghề chạy xe ôm ở khu vực chợ Bến Thành. “Nhưng nói đúng ra, thì tui chủ yếu giao đồ cho mấy mối quen. Trước dịch, mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm” - ông Dũng giải thích cho công việc của mình. “Chợ đóng cửa thế này, có gì mà giao hả chú” - tôi hỏi lại.
Ông cười hiền khô. Không trả lời thẳng câu hỏi của tôi. Qua lớp khẩu trang mà ông đeo, thật khó để cho tôi đoán ông đang nghĩ gì. Trước khi tôi rời đi, ông với theo: “Mỗi ngày kiếm gần cả trăm cũng được, từ mối quen”. Té ra, chốn thân tín mà mình gầy dựng được niềm tin, sẽ luôn là nơi bấu víu vào những lúc khó khăn nhất. Tôi chợt nghĩ điều đó, khi chạy qua cửa Tây của chợ Bến Thành.
Tôi quyết định kết thúc cuộc đi ngày hôm nay bằng cách chui hầm Thủ Thiêm để về nhà. Trên mấy khoảnh đất trống của quận 2, gần như không dáng người tụ tập thả diều như mọi khi, ít ra là kể từ lúc thành phố thực hiện cách li toàn xã hội. “Một hành động nhỏ tạm cất niềm vui thả diều như thế, cũng là góp phần chống dịch bệnh lây lan thôi, cần chỉ phải điều to tát”.
Tôi nghĩ đến điều đó, khi từ bãi cỏ nhìn sang phía bên kia thành phố, mấy tia vàng của hoàng hôn buông xuống, thật đẹp!