Không ít hộ nông dân ở Ba Vì vay ngân hàng tới 200 triệu đồng, đặt cược tất cả gia sản lên lưng những con bò khoang đen khoang trắng. Giờ thì, nhà bán tháo bò trả nợ, nhà lẳng lặng nuôi bò lấy thịt, có nhà nửa đêm thuê xe chở mấy chục kilogam sữa ế gửi cho họ hàng xa gần vì sợ sữa hỏng... Giấc mơ làm giàu của những hộ nông dân chăn nuôi bò sữa ngoại thành Hà Nội còn dang dở và đầy... bi kịch.
“Bỏ thì thương, vương thì tội”
Là hộ gia đình sở hữu đàn bò sữa lớn nhất thôn La Thạch, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, vợ chồng ông Hoàng Dũng đang có nguy cơ trở thành hộ dân lao đao nhất thôn. Sở hữu 19 con bò sữa, ngỡ tưởng kinh tế gia đình sẽ thuận buồm xuôi gió, học phí của các con sẽ dần ổn định, nào ngờ: “Giá sữa nguyên liệu cân cho các trạm thu mua đang giảm theo từng ngày, vừa thấp vừa bấp bênh. Cao thì 10.000 đồng/kg, thấp thì bị “đánh tụt” xuống 6.000 – 7.000 đồng/kg nếu sữa không đảm bảo (?!).
“Với chi phí đầu tư cho mua cám, khoáng chất nuôi bò thì mức giá này lãi chẳng đáng bao nhiêu” – ông Dũng thở dài. Đến nghĩ về đàn bò thôi đã khiến ông đau đáu. Chỉ tính riêng tiền cám cho một con bò sữa đã ngót nghét 100.000 đồng/ngày. Gần 20 con bò ấy, chỉ tính nếu ông muốn giữ lại 10 con, chờ giá sữa đi lên đã khó mà kham nổi.
Anh Dũng ở xã Phương Đình, Đan Phượng bên đàn bò sữa của gia đình. (Ảnh: Thắng Văn) |
Cả tháng nay, công việc chăm sóc bò sữa vẫn được anh Nguyễn Bình – xã Tản Lĩnh, Ba Vì thực hiện cần mẫn: Dọn dẹp chuồng bò, làm vệ sinh, tắm rửa cho bò, vắt sữa, cắt cỏ cho bò ăn... Sáng và chiều, quy trình ấy lặp lại đều như vắt chanh, kéo dài đến tận nửa đêm, duy chỉ có việc mang sữa đến trạm thu mua là bị loại khỏi lịch trình.
Mệt nhoài vì dọn dẹp chuồng trại, anh lặng lẽ ngồi thụp bên cạnh 4-5 bình sữa inox vứt chỏng chơ: “Tôi vừa bán bớt 3 con vì không chịu nổi tiền thức ăn cho chúng, mà sữa thì không bán được vì chất lượng sữa kém. Kém thế nào, khắc phục chất lượng sữa ra sao thì không ai rõ...”.
Không thể để bò đói, lại chẳng bán được sữa, nhiều hộ dân gần nhà anh Bình chênh vênh trước vực thẳm vỡ nợ. Cảm giác chán nản, u ám này cũng bao trùm lên nhiều làng quê ngoại thành Hà Nội. Giờ người ta nghĩ đến cách duy nhất là bán thịt. Khả năng cho sữa của bò chẳng ai còn tính đến nữa, cả bò sữa mẹ lẫn bê con đều được đem cân như bò thịt. Mức bình quân bán sữa là 9-10.000 đồng/kg sữa, với gia đình nuôi 1 con bò thì thu nhập khoảng 4 triệu đồng, trừ tất cả chi phí thức ăn, chuồng trại còn khoảng 3 triệu/tháng. Giờ, sữa ế, chỉ cần bán bò cho những người lấy thịt là xong nợ! Một số hộ mới vào đàn chăn nuôi, chưa được cấp mã số nên không được công ty thu mua đã phải bán vội đàn bò khi giấc mơ làm giàu còn dang dở.
Trong khi ngành nông nghiệp luôn khuyến khích nông dân phát triển đàn bò sữa, tăng lượng sữa tươi trong nước để giảm nhập khẩu thì các doanh nghiệp thu mua sữa trong nước luôn tìm cách ép giá sữa tươi nguyên liệu. Khi mức giá bị ép đến... tận đáy đồ thị hình Sin thì không ai còn thiết tha với chăn nuôi nữa. Nguy cơ dẫn đến xóa sổ cả một ngành chăn nuôi truyền thống đang ở rất gần. Theo số liệu thống kê của phòng Kinh tế huyện Ba Vì, hiện toàn huyện chỉ còn khoảng 8.600 con bò sữa, giảm 700 con so với cùng kỳ năm 2015, giảm tương đương 7% tổng đàn so với cùng kỳ. Sản lượng sữa toàn huyện cũng chỉ đạt 60 - 65 tấn/ngày, giảm 10% so với cùng kỳ. Xu hướng giảm đàn được nhận định là tiếp tục diễn ra trong thời gian tới nếu không có biện pháp hỗ trợ, khôi phục chăn nuôi cho người dân.
Thế nào là sữa không đảm bảo?
Đến tận bây giờ, chị Đào – một chủ hộ nuôi bò sữa ở Ba Vì vẫn chẳng thể trả lời được câu hỏi đó. Không chỉ riêng chị, mà cả làng chị, ai cũng ngơ ngác. Sữa thế nào là chuẩn, màu sắc đục hay trong, hương thơm nhẹ hay nồng? - Không ai rõ! Quyền quyết định chất lượng và trả giá bấy lâu nay vẫn đang thuộc về công ty thu mua sữa, chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Một người nuôi bò gần chục năm như chị Đào luôn trăn trở: làm thế nào để bà con nuôi bò thu được chất lượng sữa tốt, lý do gì mà sữa lại không đảm bảo chất lượng. Người dân không trực tiếp kiểm tra hay giám định chất lượng sữa, sữa luôn được chuyển về công ty giám định. Họ nói gì mình biết thế! Trước, mỗi kilogam sữa bò được trả 13.500 đồng, giờ cao nhất là 10.000 đồng/kg. Nhưng một khi chất lượng sữa bị công ty “chê” là lập tức bị dìm giá. Lúc họ nói sữa xanh, lúc thì sữa nhiễm khuẩn, nông dân nhiều lần “cắn răng” bán sữa với giá 6.000 đồng/kg.
Chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Thắng Văn) |
“Chúng tôi từng nhiều lần đề nghị Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn Hà Nội, Trung tâm Phát triển chăn nuôi yêu cầu công ty mua máy kiểm tra chất lượng tại chỗ, người dân được nhìn thấy tận mắt, được đọc các chỉ số, được biết kết quả trực tiếp để biết sữa đàn bò ra sao. Chứ mang về công ty, người dân không biết gì về máy móc, báo chất lượng thế nào thì biết thế”.
Vấn đề chất lượng sữa tưởng rất rõ ràng lại hóa ra mông lung với nông dân. Chị Đào thật thà: Có lần tôi tự làm “thí điểm”: Con bò nhà tôi đợt cho nhiều sữa, mỗi ngày tôi vắt 50kg mang đến trạm thu mua thì bị chê là “sữa có nước”. Đến khi mang ít sữa ra ngoài bán cho một trạm thu mua khác của công ty (khoảng 20kg sữa) thì lại được đánh giá là chất lượng tốt. Cùng con bò đấy, cùng người khai thác, cùng chuồng trại đó, nhưng ít sữa thì chất lượng cao, nhiều sữa thì bị chê “có nước”?!
Tại huyện Ba Vì, hai đơn vị thu mua sữa chính trên địa bàn là Công ty CP sữa Quốc tế IDP và Công ty CP sữa Ba Vì. Hai công ty này thu mua khoảng 92% tổng sản lượng sữa toàn huyện. Phần còn lại người chăn nuôi bán cho các cơ sở chế biến sữa nhỏ lẻ và bán sữa tươi phục vụ khách du lịch. Nếu chẳng may bị đại diện phía công ty “lạnh lùng” hạ giá hay trả lại hàng chục kilogam sữa không mua, người nông dân Ba Vì thực sự đuối lý và đuối sức khi gánh gồng hậu quả.
Đó cũng là cái thảng thốt, khó hiểu vẫn đeo bám gia đình ông Dũng, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng khi có lần, ông phải đổ bỏ toàn bộ 70kg sữa vì không đạt yêu cầu. Đến giờ, lý do công ty không mua sữa vẫn là câu hỏi xoáy sâu vào nhiều nông dân ở Đông Anh, Phúc Thọ… - những ai từng phải khóc ròng đổ bỏ hàng chục bình sữa tươi xuống vườn.
Khoảng trống trong mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp
Ông Ngô Vi Khả - Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì thừa nhận có thực trạng bất công hiện nay với các hộ dân nuôi bò sữa khi mà việc thu mua sữa do công ty tự định giá trên cơ sở kiểm tra, đánh giá chất lượng sữa, người dân chưa được tham gia giám sát và không có đơn vị thứ ba kiểm tra đối chứng. “Nếu không có biện pháp tháo gỡ khó khăn thì đàn bò của huyện sẽ tiếp tục sụt giảm, khó khôi phục tổng đàn, nhất là khi mùa Đông đã về”.
Không chỉ thiếu đơn vị thứ ba làm “trọng tài” đứng giữa, bảo vệ quyền lợi cho nông dân mà theo Ths Nguyễn Thị Phương Thúy - Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, cái thiếu nữa là làm sao quy hoạch vùng nguyên liệu sữa bài bản, để người dân không chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ. Việc tự phát nuôi bò sữa cũng khiến đầu ra của sản phẩm bấp bênh.
Theo bà Thúy, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội thời gian qua đã thực hiện nhiều giải pháp để chung tay cùng người chăn nuôi bò sữa giải quyết những khó khăn trong khâu tiêu thụ. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Trung tâm đã tổ chức nhiều buổi làm việc tại những huyện tập trung đàn bò sữa nhiều như Ba Vì, Gia Lâm, Phúc Thọ, Đông Anh, Quốc Oai, Đan Phượng. Trong đó có mời các DN tiêu thụ sữa trên địa bàn Hà Nội như Công ty CP Sữa quốc tế IDP, Công ty CP sữa Ba Vì, Công ty CP Sữa Vinamilk để cùng trao đổi, đưa ra các giải pháp thu gom, tiêu thụ sữa ổn định, bền vững và kiểm soát tốt chất lượng sữa.
Trong các buổi làm việc, Trung tâm cũng tuyên truyền, định hướng cho bà con nông dân thực hiện đúng các điều khoản, cam kết đã ký với các công ty thu mua, không làm ăn chộp giật, bán sữa ra ngoài khi có giá cao hơn. Không chỉ Trung tâm Phát triển chăn nuôi, ngành nông nghiệp thành phố cũng đau đầu tổ chức kết nối các DN sản xuất thức ăn để cung cấp trực tiếp cho các hộ chăn nuôi... Các ban ngành đoàn thể cũng chung tay giúp đỡ nông dân, chẳng hạn như Hội Phụ nữ Thành phố năm nào cũng tích cực huy động nguồn vốn cho chị em nông dân vay vốn mua bò, mua cám, làm chuồng trại...
Thế nhưng, cuối cùng sau rất nhiều năm, quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp nhìn ở góc độ nào đó, vẫn cứ dậm chân theo kiểu “phụ thuộc”, không công bằng. Rủi ro thị trường, rủi ro thời tiết luôn trực chờ đổ ập xuống đầu nông dân. Đó là bởi các chính sách, quy định pháp luật chưa thực sự đứng về phía nông dân. Năm 2010 Bộ Y tế đã ban hành Quy chuẩn về sữa tươi, sữa tiệt trùng, sữa nước hoàn nguyên… nhưng mỗi Bộ quản lý một lĩnh vực, quản lý sữa tươi nguyên liệu thuộc về Bộ NN&PTNT, quản lý sữa chế biến, sữa bột là Bộ Công Thương, quản lý sữa công thức, có thêm các vi chất lại thuộc Bộ Y tế (?!). Quy chuẩn chất lượng sữa không minh bạch rõ ràng, cơ quan chức năng và cả nông dân đều lúng túng không biết căn cứ vào đâu để kiểm soát.
Chưa kể, nông dân Việt ít cơ hội tiếp cận công nghệ. Khi người nông dân chưa làm chủ được công nghệ, chưa trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực mình chăn nuôi thì mãi sẽ chỉ chạy theo doanh nghiệp, cầu cứu họ “bao tiêu” sản phẩm, chẳng biết đến bao giờ mới có thể chủ động bán cho bất cứ nơi đâu trả mức giá cao hơn.
Và thế là, câu chuyện bị ép giá, bị vỡ nợ, mất niềm tin vào nghề nông của hàng ngàn nông dân vẫn chưa có hồi kết. Nếu cơ quan chức năng không ráo riết vào cuộc, nông dân không tự học hỏi công nghệ, giành lấy quyền tự chủ, các văn bản quy định pháp luật không được “trám” đầy thì chẳng có sự thay đổi nào với nông dân hết. Cảnh ngộ đáng thương của nông dân ngoại thành Hà Nội sẽ không chỉ diễn ra với bò sữa, mà còn tiếp diễn với nhiều con vật, cây trồng khác.