Vasco có tỷ lệ chậm chuyến thấp nhất, chỉ 4,7% nhưng lại đứng đầu về tỷ lệ huỷ chuyến. Theo đó, tỷ lệ huỷ chuyến của hãng này là 1,4%, Jetstar Pacific đứng thứ 3 với 1,3%, Vietnam Airlines và Vietjet có tỷ lệ huỷ lần lượt là 0,7% và 0,3%.
Tính chung 4 hãng, 11 tháng qua có 36.844 chuyến bay bị chậm chiếm 16,1%, tăng 0,6 điểm và 1.605 chuyến bay bị hủy chiếm 0,7%, tăng 0,2 điểm so với cùng kỳ năm 2015.
Cục Hàng không Việt Nam nhận định, mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về số chuyến bay thực hiện nhưng tỷ lệ chậm chuyến tăng không nhiều. Cụ thể, tỷ lệ chuyến bay chậm, huỷ chuyến chỉ tăng thêm 0,8% so với cùng kỳ năm 2015, trong khi số chuyến bay thực hiện của các hãng hàng không Việt Nam tăng xấp xỉ 37 nghìn chuyến, tương ứng với 19% chuyến bay thực hiện.
Như vậy có thể thấy các hãng hàng không Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ thực sự đã có nhiều nỗ lực để hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến bay trong bối cảnh còn nhiều hạn chế về hạ tầng cảng hàng không, đặc biệt là tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Các nguyên nhân chính gây chậm chuyến chủ yếu vẫn là do kỹ thuật của hãng hàng không, trang thiết bị tại cảng hàng không, thời tiết, tàu bay về muộn…
Trong đó, nhóm nguyên nhân chủ quan từ các hãng hàng không, cảng hàng không chiếm hơn 40% tổng số chuyến bay chậm, gián tiếp gây nên tình trạng chậm chuyến dây chuyền cho các chuyến bay kế tiếp. Đáng lưu ý, nguyên nhân hạn chế về điểu hành bay tại cảng hàng không xuất phát chiếm tỷ trọng lớn, 12,7% trên tổng số chuyến bay chậm, tăng 5 điểm so cùng kỳ 2015, chủ yếu do các tàu bay phải bay chờ tại cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vì mật độ cao.