Tờ Le Monde dẫn số liệu ước tính do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) công bố đầu tháng 7/2023 cho biết các vựa lúa đầy ắp nhờ sản lượng dự kiến tăng lên 523 triệu tấn, do đó chắc chắn không xảy ra tình trạng thiếu gạo.
Tại Pháp, lúa sẽ được thu hoạch vào cuối tháng 9, với sản lượng ước đạt gần 80.000 tấn. Đây là mức cao đáng kể thu được trên diện tích canh tác hiện chỉ còn 12.000 ha. Giống lúa quý này của Pháp đã có chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý (IGP) dưới thương hiệu "gạo Camargue".
Tại Tây Ban Nha, xứ sở của gạo paella, những cánh đồng trồng giống lúa này đã được phát triển rộng hơn, song do ảnh hưởng của hạn hán trong mùa Hè năm nay nên sản lượng thu hoạch không được như mong muốn. Ngược lại, ở Tây Ban Nha, mưa nhiều đã tạo điều kiện mang lại mùa bội thu không chỉ đối với cả lúa mì và lúa gạo.
Mặc dù châu Âu được mùa lúa gạo là vậy, nhưng giá cả không có xu hướng giảm, thậm chí còn tăng lên.
Lý giải nguyên nhân này, Chủ tịch Hiệp hội những người trồng lúa của Pháp Bertrand Mazel nhấn mạnh rằng sản lượng gạo ở châu Âu năm nay ước đạt gần 3 triệu tấn, nhưng lượng tiêu thụ lại lên đến gần 4 triệu tấn. Việc cung không đủ cầu khiến giá gạo trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao. Tại thị trường gạo Vercelle ở Italy, giá mặt hàng vẫn ở mức 600 euro/tấn (648 USD/tấn) kể từ đầu năm, cao hơn nhiều so với 400 euro/tấn (hơn 430 USD/tấn) cách đây 18 tháng.
Giá gạo tăng vọt ở châu Âu cũng phản ánh sự nóng lên của thị trường gạo thế giới. Giá lúa mì tăng vọt sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra đã gián tiếp ảnh hưởng đến lúa gạo. Lo ngại trước nguy cơ khan hiếm nguồn cung, các nước tiêu thụ nhiều loại lương thực này đã tìm cách tích trữ lúa gạo. Thực tế này dẫn đến việc giá lúa mì giảm, còn giá gạo tăng. Theo FAO, giá gạo thế giới trong tháng 7 vừa qua thậm chí còn đạt mức cao nhất kể từ năm 2011.
Trước việc giá gạo trên thị trường tăng, Ấn Độ đã quyết định cấm xuất khẩu gạo indica vào cuối tháng 6 năm nay, sau đó mở rộng hạn chế ra nhiều loại gạo khác. Động thái này khiến thị trường gạo thế giới càng tăng nhiệt. Trong bối cảnh trên, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo cần cảnh giác với an ninh lương thực toàn cầu. Đặc biệt ở nhiều nước châu Phi, nơi loại gạo tấm vốn được ưa chuộng và được tiêu thụ trung bình 70 kg/người/năm, giá gạo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.