Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nắm bắt những khó khăn mà các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo đang đối diện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tạo thuận lợi tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo, hàng hóa.
Văn bản nêu rõ, để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo trong bối cảnh dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Lon.
Các hình thức hỗ trợ như: Mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp...
Văn bản của Bộ Công thương cũng nêu rõ, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo cho nông dân, Bộ Công Thương đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.
Trước những yêu cầu này, phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những kế hoạch cụ thể để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh lúa gạo.
Theo đó, Ngân hàng sẽ mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ hè thu, tới đây là vụ thu đông, nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa.
Thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành lúa gạo; linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay…
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo đạt 144.657 tỷ đồng, tăng 11,33% so với cuối năm 2020.
Trong đó, theo mục đích vay vốn, dư nợ trồng, sản xuất lúa đạt 34.819 tỷ, chiếm 24,07%; dư nợ phục vụ thu mua, tiêu thụ lúa gạo đạt 97.402 tỷ đồng, chiếm 67,33%, tăng 15,77% so với 2020; dư nợ chế biến, bảo quản lúa gạo đạt 12.435 tỷ đồng, chiếm 8,6%.
Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo đạt 74.139 tỷ đồng, tăng 15,45%, chiếm 51,25% dư nợ lúa gạo toàn quốc.
Từ đầu năm 2021 tới nay, các tổ chức tín dụng tại đồng bằng sông Cửu Long đã cấp hạn mức tín dụng khoảng 56.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ lúa gạo, đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế 93.000 tỷ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo.
Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021 ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020, chiếm 92% hạn mức được cấp.