Cụ thể, các nhà khoa học cảnh báo rằng sức nóng từ các vụ cháy rừng có thể biến đổi kim loại crom từ phiên bản lành tính của nó thành các hạt độc hại trong không khí khiến lính cứu hỏa và những người sống gần đó gặp nguy hiểm.
Scott Fendorf, đồng tác giả nghiên cứu và giáo sư tại Đại học Stanford, cho biết: “Trong hỗn hợp phức tạp gồm các khí và hạt mà cháy rừng gây ra dưới dạng khói và để lại dưới dạng bụi, các kim loại nặng như crom phần lớn đã bị bỏ qua”.
Crom phổ biến ở các loại đất trên khắp miền Tây nước Mỹ, Australia, Brazil, châu Âu, Indonesia và Nam Phi.
Một số quá trình hóa học tự nhiên nhất định có thể kích hoạt sự biến đổi kim loại từ dạng lành tính, gọi là crom 3, thành chất gây ung thư gọi là crom hóa trị sáu hoặc crom 6. Chất độc này có thể gây ung thư, tổn thương nội tạng và các vấn đề sức khỏe khác.
Một nghiên cứu tại Australia xuất bản năm 2019 đã phát hiện ra rằng sức nóng dữ dội của một vụ cháy rừng có thể là nguyên nhân gây ra sự biến đổi này, các nhà khoa học tại Đại học Stanford bắt đầu thử nghiệm lý thuyết này bằng cách thu thập các mẫu từ đất giàu crom của 4 khu bảo tồn sinh thái ở bang California, từng trải qua cháy rừng năm 2019 và 2020.
Các nhà khoa học đã kiểm tra đất từ những khu vực cháy rừng và những khu vực không bị ảnh hưởng, tách ra những hạt nhỏ nhất có nhiều khả năng bay vào không khí nhất. Ở những khu vực giàu crom, nơi thảm thực vật khiến lửa cháy dữ dội và trong thời gian dài, các nhà nghiên cứu nhận thấy hàm lượng crom độc hại cao hơn khoảng 7 lần so với những khu vực không có cháy.
Ngay cả sau khi đám cháy đã được khống chế hoàn toàn, nghiên cứu cho thấy các cộng đồng dân cư vẫn có thể bị phơi nhiễm do gió mạnh mang theo các hạt mịn của đất có crom.
Giáo sư Fendorf cho biết phần lớn nguy cơ về sức khỏe thường giảm dần sau khi trận mưa lớn đầu tiên cuốn trôi kim loại. Nhưng có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để mưa xuất hiện sau cháy rừng, đặc biệt khi biến đổi khí hậu làm tăng khả năng và tần suất hạn hán.
Vào thời điểm các mẫu đất được lấy, bang California đang trải qua một đợt hạn hán lịch sử kéo dài nhiều năm. Do không có lượng mưa cần thiết để rửa trôi các chất gây ô nhiễm, khi các nhà nghiên cứu quay trở lại gần một năm sau đó, họ phát hiện chất crom độc hại vẫn tồn tại trong đất.
Nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng về tác động nguy hiểm của khói cháy rừng, loại khói này cũng mang theo bụi mịn PM 2.5. Khi hít vào, bụi mịn có thể đi sâu vào mô phổi và thậm chí có thể đi vào máu. Bụi mịn PM 2.5 có là tác nhân gây ra các bệnh bao gồm hen suyễn, bệnh tim, viêm phế quản mãn tính và các bệnh về đường hô hấp khác.
Các nhà khoa học cũng cho biết các kim loại khác như mangan, niken và các hạt nano sắt có thể gây ra mối đe dọa tương tự, nhưng cần nghiên cứu thêm.
Cháy rừng dù vậy cũng đem lại giá trị cho hệ sinh thái. Các đám cháy làm tăng chất dinh dưỡng của đất và loại bỏ các chất mục nát. Nếu không có những đám cháy, những tán lá mọc um tùm như cỏ và cây bụi tích tụ lâu năm sẽ khiến các vụ cháy trong tương lai thêm dữ dội.
Nhưng khi cuộc khủng hoảng khí hậu làm gia tăng hạn hán và nắng nóng cực độ, các đám cháy rừng ngày càng cháy lâu hơn và lan rộng hơn. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc dự đoán số lượng các vụ cháy rừng cực đoan sẽ tăng 30% vào năm 2050, ngay cả với những nỗ lực đầy tham vọng nhất nhằm giảm ô nhiễm.