Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, thời gian qua công tác dân số Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,7%/năm giai đoạn 1989-1999 đã giảm xuống dưới 1,2% giai đoạn 1999-2009 và khoảng 1% giai đoạn từ 2010 đến nay.
Từ năm 1989 đến nay, dân số dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39,2% xuống 24,0%; dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) tăng từ 56,1% lên 68,4%; dân số 65 tuổi trở lên tăng từ 4,7% lên 7,6%.
Đặc biệt, từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3cm, đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn hẳn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Phân bố dân số gắn với đô thị hóa, công nghiệp hóa đáp ứng nhu cầu lao động, giải quyết tình trạng mất cân đối lao động-việc làm. Tỷ lệ dân số đô thị đã tăng từ 20% năm 1993 lên 34,9% năm 2017.
Dịch vụ dân số được mở rộng, chất lượng ngày càng cao. Các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh được triển khai, từng bước mở rộng. Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, cũng như các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người cao tuổi bước đầu phát triển.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc đảm bảo tiếp cận với các dịch vụ KHHGĐ. Việc đầu tư liên tục đã giúp Việt Nam đảm bảo sự sẵn có của các phương tiện tránh thai, các dịch vụ và các thông tin về KHHGĐ cho người dân trên toàn quốc. Chính vì vậy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đã tăng từ 37% vào năm 1988 lên 66,3% vào năm 2018.
Tỷ lệ tử vong mẹ trên toàn quốc đã giảm đáng kể từ 233/100.000 ca sinh sống trong những năm 1990 xuống còn 58/100.000 ca sinh sống vào năm 2016. Tổng tỷ suất sinh đã giảm hơn một nửa, từ mức trung bình 5 con/cặp vợ chồng tại thời điểm những năm 1970 xuống mức sinh thay thế 2.09 vào năm 2006.