Trong báo cáo kinh tế tháng 4, Chính phủ Nhật Bản đánh giá kinh tế nước này “tăng trưởng vừa phải”. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp Chính phủ Nhật Bản đưa ra mức đánh giá này đối với tăng trưởng kinh tế. Báo cáo đã nâng đánh giá về nhập khẩu lần đầu tiên trong 7 tháng qua, theo đó cho rằng nhập khẩu trong tháng 4 “ổn định”, sau khi đánh giá nhập khẩu trong tháng 3 yếu đi.
Văn phòng Nội các Nhật Bản thừa nhận việc các nền kinh tế khác tăng trưởng chậm lại do thắt chặt tiền tệ đã tạo ra nguy cơ suy giảm đối với kinh tế Nhật Bản, nhấn mạnh cần “chú ý đầy đủ” tình hình lạm phát và những biến động trên các thị trường tài chính.
Chính phủ Nhật Bản giữ nguyên đánh giá về các yếu tố chủ chốt khác của nền kinh tế. Theo đó, tiêu dùng cá nhân - chiếm hơn 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, đang tăng trưởng vừa phải bất chấp lạm phát tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên. Niềm tin của hộ gia đình được cải thiện nhờ dịch bệnh COVID-19 giảm và lương tăng. Kết quả các cuộc đàm phán tiền lương thường niên giữa các nghiệp đoàn và giới quản lý dự kiến đạt kết quả tốt đẹp nhất trong khoảng 3 thập niên qua. Báo cáo cũng đánh giá chi tiêu vốn đang tăng, giá hàng hóa được giao dịch giữa các công ty ổn định.
Cũng theo báo cáo, xuất khẩu của Nhật Bản đang suy yếu, dấu hiệu đáng lo ngại đối với nền kinh tế Nhật Bản vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, bất chấp sự hồi phục nhu cầu từ Trung Quốc và những lợi ích từ sự hồi phục sớm hơn dự kiến của du lịch quốc tế - cũng được tính là xuất khẩu trong dữ liệu thương mại Nhật Bản.
Nhật Bản cũng gia tăng quan ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong khi sự sụp đổ của các ngân hàng đã gây chao đảo các thị trường tài chính.
Trong báo cáo, Chính phủ Nhật Bản đã nâng đánh giá 2 tháng liên tiếp đối với kinh tế Trung Quốc - đối tác thương mại lớn của nước này, nhấn mạnh tăng trưởng trong sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng cá nhân.
Ngoài ra, báo cáo nhận định kinh tế toàn cầu tiếp tục “tăng trưởng vừa phải” bất chấp sự suy yếu ở một số khu vực.