Tuy nhiên, chọn nghề gì để phù hợp với bản thân và đảm bảo cơ hội việc làm trong kỷ nguyên số, khi với tác động của cách mạng 4.0, nhiều nghề sẽ mất đi và nhiều nghề mới sẽ hình thành, là câu hỏi khó với không ít thí sinh.
Ngành nào sẽ hot?
Chia sẻ về những nhóm ngành đang cần nhân lực, ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho rằng nhóm đầu tiên là lĩnh vực công nghệ thông tin. Đây là hạ tầng của mọi hạ tầng và khối ngành này đang thiếu khoảng 400.000 nhân lực chất lượng cao mỗi năm. Trong đó nổi lên các ngành liên quan đến thiết kế website, ngành thiết kế đồ họa.
Trong khối ngành liên quan đến kinh tế kinh doanh, đang nổi lên ngành lớn là marketing số. Trong bối cảnh hiện nay, muốn sự xuất hiện của mình thì các doanh nghiệp phải hiểu về kinh doanh số, sự xuất hiện trên các nền tảng về mạng xã hội, google, trên internet, và sự xuất hiện của mình phải làm sao giới thiệu được sản phẩm tới khách hàng của mình.
Bên cạnh đó phải kể đến nhóm ngành về du lịch, khách sạn. Việt Nam đang là điểm đến an toàn, và có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Với nhóm ngành như vậy đang cần nguồn nhân lực dồi dào. Với khối ngành này, ngoại ngữ là quan trọng.
Về các nhóm ngành khác, khi xã hội gặp biến động thì các ngành công nghiệp cơ bản như cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa... đó là nhóm ngành cơ bản, là nhóm ngành xương sống của nền kinh tế.
Nhóm ngành cuối cùng là các nhóm ngành nghề về làm đẹp rất phát triển như chăm sóc da, móng, tóc, nhuộm tóc, trang điểm, các ngành chăm sóc sức khỏe... sẽ rất phát triển.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, Phó Giáo sư Nguyễn Phú Khánh, các nhóm ngành sẽ khát nhân lực gồm: nhóm ngành công nghệ thông tin như phần mềm, an ninh mạng, data, giữ liệu... ; nhóm ngành tự động hóa như cơ điện tử, điện tử, robot…; nhóm ngành công trình về thủy lợi, xây dựng, công nghệ thông minh; nhóm ngành công nghệ sinh học, khoa học môi trường phát triển bền vững; nhóm ngành tài chính, quản trị kinh doanh, du lịch.; nhóm ngành nghề liên quan đến sức khỏe như điều dưỡng, phục hồi chức năng...
Linh hoạt để thích nghi
Chỉ ra những nhóm ngành hot nhưng lãnh đạo các trường cũng cho rằng dưới tác động của cách mạng 4.0, nhiều ngành nghề cũ mất đi, ngành nghề mới chưa từng xuất hiện sẽ ra đời. Vì thế, cả người học và các nhà trường đều phải linh hoạt trong chương trình học và đào tạo để có thể thích ứng nhanh với những biến đổi đó.
Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho hay để giảm thiểu sự “lệch pha” trong đào tạo và thực tế nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, trường không chỉ khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp, dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp mà còn mời các giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn đến từ doanh nghiệp. Ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cũng cho hay ngay khi xây dựng chương trình, trường phải khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp để xem thị trường đang cần gì. Thừa nhận việc thực tế đào tạo thường bị chậm hơn so với thị trường, ông Thành cho hay FPT thường liên kết với các nhà xuất bản lớn trên thế giới để xem tất cả các nước như Anh, Mỹ, Úc, Canada... để mua bản quyền các bộ giáo trình đang được đào tạo và chuyển ngữ sang tiếng Việt để sinh viên có thể cập nhập được các kiến thức mới của thế giới và khu vực. Và vì vậy, khi các em ra trường vừa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, vừa cập nhật nhu cầu thị trường thế giới. Trong khi đó tại Đại học Phenikaa, sinh viên được tạo điều kiện chuyển đổi liên ngành.
Tuy nhiên, lãnh đạo các trường cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi các ngành nghề biến đổi rất nhanh, người học cần xác định tinh thần học tập suốt đời và sẵn sàng thích nghi trong các bối cảnh mới. Để có thể linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề, theo Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, thí sinh nên chọn ngành phù hợp với đam mê, năng lực, tính cách nhưng không hướng vào một nghề cụ thể mà hướng vào lĩnh vực nghề nghiệp. Ví dụ, chọn lĩnh vực sư phạm nhưng không chỉ làm giáo viên mà có thể làm nghiên cứu giáo dục, tham vấn học đường... Như vậy sẽ tăng cơ hội thành công và giảm nguy cơ thất nghiệp.