Phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số
Tiếp xúc với các bộ mẫu SGK lớp 1 mới được Bộ GD&ĐT phê duyệt, cô Đèo Thị Thu Huyền - giáo viên Trường Tiểu học Ngọc Chiến (huyện Mường La) nhận xét: Những đầu SGK mẫu có hình thức đẹp, hài hòa, chủ đề, chủ điểm gần gũi với học sinh.
Với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số nên tiêu chí, tiêu chuẩn được giáo viên nhà trường đặt lên trên hết là lượng kiến thức trong sách được chọn phải phù hợp với đối tượng người học, đặc thù của học sinh các vùng miền; Đồng thời, kiến thức phù hợp, phủ khắp với trình độ dân trí, không phải chỉ riêng để các em lĩnh hội, mà cả phụ huynh cũng tiếp cận được kiến thức trong SGK.
Bộ SGK lớp 1 mới phù hợp với GD vùng khó thì kênh hình và kênh chữ phải phù hợp với lứa tuổi học sinh dân tộc thiểu số. Những câu ứng dụng để học sinh tiếp cận với thực tế cuộc sống phải phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, gần gũi đời sống, các em sẽ dễ dàng tiếp cận, dễ nhớ hơn. “Nhìn chung, các bộ SGK mẫu được tiếp cận cùng thiết bị để hỗ trợ giảng dạy, với đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh Sơn La, nhất là huyện vùng cao, cơ sở vật chất thiếu nhiều, phòng học nhỏ, kinh phí mua sắm thiết bị hạn chế, chắc chắn việc triển khai sách mới cũng gặp khó khăn nhất định nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền”.
Cô Phạm Thị Liên - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Ty, huyện Sông Mã
Thiết bị hỗ trợ giảng dạy phải phù hợp với vùng khó
Thiết bị dạy học tối thiểu theo sách cũng là một tiêu chí mà giáo viên ở đây hết sức lưu ý. Tại Trường Tiểu học Ngọc Chiến vẫn còn tình trạng thiếu thiết bị dạy học tối thiểu hoặc hỏng. Cô Đèo Thị Thu Huyền cho biết: Nếu dạy học SGK lớp 1 mới theo Chương trình GDPT 2018, thiết bị dạy học ở trường sẽ thiếu hụt. Để dạy sách mới, cô Huyền và đồng nghiệp mong được sự đầu tư của các cấp chính quyền để các nhà trường có điều kiện dạy - học hiệu quả hơn. Sau bước chọn sách, cô Huyền hy vọng NXB có sách được lựa chọn sẽ tổ chức tập huấn, hỗ trợ giáo viên kỹ thuật, phương pháp dạy học.
Còn theo cô Phạm Thị Liên, các bộ SGK lớp 1 mới tích hợp nhiều kênh đa phương tiện, hình ảnh hỗ trợ giảng dạy, việc này giảm được đầu sách học sinh phải mang vác mỗi khi đến trường. Nhưng trang thiết bị dạy học, máy móc để đáp ứng được các kênh đa phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin ở các trường vùng vẫn hạn chế, ngay cả trường học ở thị trấn cũng chưa đáp ứng. “Giải bài toán này trong năm tới ở lớp 1, với những trường ở thành phố, thị xã có thể khắc phục được. Nhưng với trường học vùng khó khăn, nhiều điểm trường lẻ, có nơi không có điện và mạng Internet không thể ứng dụng công nghệ thông tin, không tận dụng được những kênh hỗ trợ của sách mới để giảng dạy, tức là vẫn dạy chay, học chay nên hiệu quả giảng dạy SGK lớp 1 mới sẽ không cao”, cô Liên cho biết.
Chủ đề dạy học linh hoạt và gắn với thực tế đời sống
Với huyện Sốp Cộp, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, khả năng giao tiếp hạn chế, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng phòng GD&ĐT nêu quan điểm: Bộ SGK được chọn phải phù hợp nhất với học sinh của huyện. Cụ thể về các mặt: Sách phải dễ tiếp cận, kiến thức gần gũi với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số. Tiếp đó là SGK có nhiều hình ảnh minh họa để khơi gợi hứng thú cho học sinh, hình ảnh đồng thời cũng phải gắn với thực tế, gần gũi với cuộc sống, giúp các em dễ hình dung, tư duy hơn.
Về hoạt động GD, chủ đề dạy học trong SGK được chọn, theo ông Tuấn phải là những hoạt động, chủ đề linh hoạt để học sinh dễ tiếp cận. Bởi những điểm trường lẻ có nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động GD một cách phong phú. Do vậy, SGK mới phải đáp ứng và phù hợp nghi với đặc thù các vùng, miền.
Là cán bộ quản lý GD cấp phòng, ông Nguyễn Quốc Tuấn kỳ vọng giáo viên các nhà trường lựa chọn được bộ sách phù hợp và được tập huấn, đào tạo và đào tạo lại để giảng dạy tốt bộ sách được chọn. Cùng với đó là mong muốn SGK mới có giá thành hợp lý, phù hợp với mặt bằng thu nhập của bà con các dân tộc.