Từ bỏ một cuộc sống văn phòng nhàm chán ở lứa tuổi 30, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books, đã dám đặt chân vào một con đường đầy gian nan, đó là làm sách kỹ năng cho thế hệ trẻ. Cuộc đối thoại đầy cởi mở với Nguyễn Cảnh Bình đã mở ra một cái nhìn toàn cảnh về thực trạng và tương lai của ngành xuất bản Việt Nam, cũng như những bài học khởi nghiệp dành cho người trẻ.
***
Thành lập từ năm 2005, tới nay Alpha Books đã trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong giới xuất bản và được nhiều độc giả mến mộ với những đầu sách nổi tiếng? Vậy triết lý hàng đầu mà Alpha Books theo đuổi là gì?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Kể từ khi thành lập đến nay, chúng tôi luôn đặt mục tiêu tìm ra những sản phẩm có giá trị cho độc giả, giúp họ bắt nhịp được với dòng chảy văn minh của thế giới, cũng như trang bị cho họ những kiến thức để hoàn thiện bản thân.
Khi đã xác định rõ cốt lõi của triết lý, chúng tôi triển khai nó theo nhiều phương thức khi bối cảnh, điều kiện mở ra. Cụ thể, trong giai đoạn sơ khởi của Alpha Books, chúng tôi lựa chọn dòng sách kỹ năng quản trị kinh doanh bởi khi “con thuyền” kinh tế Việt Nam đang nương theo làn gió hội nhập quốc tế, tất yếu là các doanh nghiệp tư nhân cũng phải phát triển. Họ không chỉ cần vốn, mà còn cần phải có kiến thức và trí tuệ về mặt quản trị để giúp doanh nghiệp trưởng thành, người lao động cũng cần phải có kiến thức để trang bị quyền lợi cho bản thân. Do đó nhu cầu về sách quản trị kinh doanh là rất lớn.
Sau gần 30 năm Đổi Mới, xã hội Việt Nam đang ngày càng phát triển theo chiều hướng văn minh hơn, khi chất lượng cuộc sống đã đủ đầy thì con người lại có nhu cầu tìm hiểu những kiến thức xung quanh mình, chứ không chỉ dừng lại ở mục đích làm kinh tế như giai đoạn trước. Ngành xuất bản phải sản xuất ra những hàng hóa tương xứng với nhu cầu của xã hội. Hiểu được thị hiếu này, Alpha Books tiếp tục cho ra mắt các đầu sách thuộc thể loại lịch sử, chính trị và đặc biệt là nghệ thuật.
Trong hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 khiến chúng tôi một lần nữa đánh giá lại nhu cầu của độc giả và tiến tới cho ra mắt dòng sách về sức khỏe, lĩnh vực mà chúng ta còn thiếu rất nhiều đầu sách hay.
Tựu chung lại, chúng tôi luôn cố gắng duy trì triết lý gốc và chỉ thay đổi những mảng sản phẩm để bắt kịp thị hiếu và xu thế phát triển của công nghệ.
Trong tự truyện “Sinh năm 1972”, ông từng chia sẻ với một người bạn rằng việc từ bỏ công việc ở công ty cũ để rẽ lối sang ngành xuất bản và được trở thành “một người tự do”. Với ông tự do là gì và nó có ý nghĩa như thế nào?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Chúng ta phải khẳng định một điều rằng, không có con người tự do tuyệt đối. Con người luôn có những sự ràng buộc về gia đình, sự nghiệp,…Tự do có nhiều mức độ khác nhau.
Định nghĩa tự do của tôi ở mức vừa phải: thứ nhất đó là tự do về thời gian. Trong quá khứ, khi còn làm công việc bàn giấy ở cơ quan cũ (Tập đoàn Petrolimex), tôi luôn cảm thấy bị ràng buộc về mặt thời gian, khi cứ gắn mình ở công sở suốt 8 tiếng mỗi ngày.
Thứ hai, công việc trong ngành xăng dầu cũng khiến tôi bị ràng buộc về những suy nghĩ, mối quan hệ, cách thức tư duy của mình. Tôi không có được không gian thoải mái để gặp gỡ, giao lưu với những đối tượng mình thích. Gần đây, nhiều bạn trẻ hay nói về tự do tài chính, đó cũng là loại tự do thứ ba tôi muốn hướng tới, khi chúng ta đủ tiền để tạm sống rồi thì sẽ muốn làm những điều mình thích.
Tại sao ông lại theo đuổi con đường xuất bản? Bước sang một “sân chơi” hoàn toàn mới, ông đã gặp phải những khó khăn gì?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Tôi chọn con đường xuất bản bởi đây là một ngành nghề có nhiều ý nghĩa. Tôi nhận ra rằng người Việt Nam sau nhiều thập kỷ chìm trong chiến tranh và nghèo khó, chúng ta đã lạc hậu cả về vật chất lẫn tinh thần so với thế giới. Đáng chú ý, cái nghèo về tinh thần, trí tuệ là điều đáng sợ nhất. Giống như một người cầm trên tay một chiếc điện thoại iPhone 13 – công cụ giúp tiếp cận nhanh chóng tới tri thức, người đó vẫn có thể kém hiểu biết. Giải pháp để một con người, một xã hội phát triển không chỉ nằm ở việc trao đổi vật chất, mà còn phải là nâng cao giá trị tinh thần, hiểu biết. Chúng ta không truy cầu vật chất để phát triển cuộc sống, ngược lại, một con người có đầy đủ kỹ năng, kiến thức ắt sẽ tìm được cho mình một cuộc sống đủ đầy. Ngành xuất bản giúp tôi có cơ hội theo đuổi mục tiêu xóa bỏ sự nghèo nàn về tinh thần, kiến thức cho người Việt.
Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, xuất bản tại Việt Nam tồn tại không ít khó khăn và thách thức. Thứ nhất đó là thị trường nhỏ, dù có tới gần 100 triệu dân, nhưng tỷ lệ đọc sách trên đầu người lại chưa cao. Theo số liệu của Cục Xuất bản, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2019, tỷ lệ đọc của người Việt chỉ tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người.
Khó khăn thứ hai đó là giá trị của các đầu sách chưa cao. Ví dụ, một chiếc ô tô tại Mỹ có giá 20.000 USD, thì khi về Việt Nam giá trị của nó tăng gấp đôi, điện thoại thông minh cũng vậy, chúng ta phải bỏ ra số tiền tương đương hoặc lớn hơn giá trị của các loại hàng hóa vật chất khi chúng về tới thị trường trong nước. Thế nhưng một cuốn sách tại thị trường Mỹ bán với giá 20 USD (gần 500 nghìn đồng), thì khi đưa về Việt Nam trừ tiền bản quyền, biên dịch, in ấn thì chỉ có hơn 200 nghìn đồng. Thế thì khi một ngành nghề có thị trường tiêu thụ nhỏ, giá cả hàng hóa lại thấp, kéo theo đó là hiệu quả lợi nhuận không cao thì sẽ rất khó thu hút được đội ngũ nhân lực chất lượng.
Một khó khăn khác, đó là Việt Nam chưa có một nền xuất bản hiện đại và hoàn chỉnh. Chúng ta chưa có một nhà xuất bản tư nhân, trong khi các công ty phát hành sách vẫn gặp không ít vướng mắc trong cơ chế, thủ tục xin giấy phép xuất bản. Ba yếu tố kể trên đã khiến cho ngành xuất bản Việt Nam vài thập kỷ qua dù rất tiềm năng, nhưng chưa thể vươn tầm ngang với các nước trong khu vực.
Trong gần hai thập kỷ đồng hành cùng Alpha Books, đâu là những dấu mốc khiến ông đáng nhớ nhất? Liệu ông có từng nhìn lại quyết định rẽ lối của bản thân?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Trong hành trình gần hai thập kỷ đồng hành cùng Alpha Books, có hai dấu mốc khiến tôi đáng nhớ nhất. Thứ nhất đó là quyết định làm sách quản trị kinh doanh vào năm 2005. Khi đó công ty mới thành lập và chúng tôi rất bối rối, chưa biết lựa chọn hướng đi nào cho mình, nhờ các đầu sách về kinh tế mà tên tuổi của Alpha Books đã lan rộng trong cộng đồng độc giả trẻ. Cột mốc thứ hai là khi chúng tôi thành lập Omega Plus – đơn vị chuyên xuất bản các đầu sách kinh điển về chính trị, lịch sử và nghệ thuật.
Nhìn lại những ngày khởi đầu, tôi không hề nuối tiếc với quyết định lựa chọn ngành xuất bản, tôi và các cộng sự đều cho rằng đáng lẽ ra chúng tôi nên thành lập Alpha Books sớm hơn một vài năm. Nhưng nếu được, tôi vẫn mong muốn chúng tôi có những bước chuẩn bị chu đáo và khôn ngoan hơn trong quá trình thành lập và phát triển công ty.
Đứng trước ngã rẽ sự nghiệp ở tuổi 30, nhà soạn kịch nổi tiếng người Mỹ Jonathan Larson từng đặt câu hỏi: “Tại sao muốn thay đổi chúng ta phải trải qua mất mát?”. Vậy cá nhân ông đã trải qua những vấp váp nào trong cuộc “phiêu lưu” với Alpha Books?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Để thành công, chúng ta sẽ phải có những mất mát. Mất mát đầu tiên đó là thời gian, công việc hiện tại ngốn của tôi rất nhiều thời gian trong ngày. Kèm theo đó là suy giảm sức khỏe, khi bản thân phải làm việc với cường độ cao trong thời gian dài, tôi không có cơ hội được thư giãn, vui chơi hay tập luyện. Một mất mát lớn nữa đó là bỏ lỡ những khoảnh khắc được ở bên chăm sóc gia đình.
Từ những trải nghiệm cá nhân, tôi cho rằng đối với những bạn trẻ ở trong lứa tuổi lập nghiệp, điều họ cần nhất là sự dũng cảm để thay đổi bản thân, nhất là khi chúng ta đang ở trong một giai đoạn đầy biến động của thế giới. Các bạn trẻ cần phải dũng cảm và mạnh mẽ để theo đuổi những ước mơ có giá trị, kèm với đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ năng, ý chí kiên nhẫn và bền bỉ để bám trụ với con đường mình đã chọn.
Say mê sách từ nhỏ, vậy sách có ý nghĩa thế nào với bản thân ông? Đâu là những đầu sách hay tác giả có ảnh hưởng lớn tới tư tưởng và góc nhìn của ông đối với thế giới?
Mỗi con người trưởng thành đều nhờ những người thầy, đối với tôi sách là một người thầy vĩ đại. Một người thầy có thể giỏi hơn một cuốn sách, nhưng không người thầy nào giỏi bằng tất cả sách vở trên đời. Nhờ có sách, thế hệ chúng tôi, những người không hề biết đến Internet, được trang bị những hiểu biết đầu đời về thế giới. Sách trang bị cho tôi thêm niềm tin, sức mạnh và hiểu biết trong hành trình trưởng thành của mình.
Có một vài đầu sách có ảnh hưởng lớn tới thế giới quan của tôi. Cuốn đầu tiên chính là “Đợt sóng thứ ba” của Alvin Toffler, trong đó tác giả nói về xu hướng trong tương lai của ngành xuất bản Mỹ năm 1996. Hai năm sau, cuốn sách này đến tay tôi tại Việt Nam và nhờ có nó, tôi nhìn thấy được xu hướng phát triển của xã hội loài người, có được những hiểu biết về ngành xuất bản và từ đó tạo cảm hứng cho con đường mình sắp đi. Một cuốn sách khác đối với tôi rất đáng đọc đó là “Tâm lý học đám đông” của Gustave Le Bon. Nghiên cứu cuốn sách này giúp tôi hiểu được sự phát triển của một dân tộc, một quốc gia sẽ phải trải qua những giai đoạn thăng trầm nào. Đặc biệt, “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” là cuốn sách mà tôi tâm đắc nhất, nó giúp tôi hiểu cần những yếu tố nào để kiến thiết một tổ chức, một thiết chế, một quốc gia.
Dòng chảy của ngành xuất bản hiện tại đang đứng trước khúc quanh quan trọng, khi vị thế của sách in đang suy giảm, trong khi các dòng sách nói (audio book) hay sách điện tử (e-book) dần lên ngôi, ông đánh giá thế nào về xu hướng dịch chuyển này?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Đây là một xu hướng tất yếu, bởi trong lịch sử hàng ngàn năm, ngành xuất bản đã trải qua không ít những bước chuyển mình như vậy. Xuất bản vốn là việc lưu trữ, truyền bá thông tin giữa các cộng đồng và thế hệ. Nhân loại từng có những hình thức xuất bản bằng việc viết lên thẻ tre, đất nung, giấy dó hay da thú. Tới thế kỷ 15, loài người đã trải một cuộc cách mạng vĩ đại khi Johannes Gutenberg phát minh ra máy in ở Frankfurt, Đức. Kể từ đó, việc xuất bản đã chuyển từ viết tay sang in ấn. Tới cuối thế kỷ 20, ngành xuất bản lại chứng kiến một bước chuyển mới nhờ sự ra đời của mạng Internet, khi các ấn phẩm thay vì in trên giấy lại được số hóa. Sau hai thập kỷ, ngành xuất bản tiếp tục tiến hóa từ định dạng sách điện tử sang sách nói. Ngành xuất bản luôn đồng hành cùng với sự phát triển của nhân loại, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ.
Dĩ nhiên, trong giai đoạn chuyển mình giữa các hình thức xuất bản, sẽ vẫn có những cộng đồng duy trì hình thức, công nghệ xuất bản cũ. Nhưng phần đông chúng ta sẽ đi theo những công nghệ mới, chỉ có một số ít duy trì những giá trị cũ. Nhiệm vụ của ngành xuất bản Việt Nam đó là bắt nhịp với trào lưu phát triển của thế giới. Chỉ thông qua những phương tiện như vậy thì tri thức mới được truyền tải nhanh hơn, thuận tiện hơn và rẻ hơn.
Nếu đặt trong bức tranh tổng thể về tri thức nhân loại, thì quy mô và vai trò của sách sẽ ngày càng giảm đi. Nếu cách đây 50-100 năm, thì sách chiếm vị thế độc tôn trong việc lưu giữ tri thức của nhân loại, thì ngày nay vai trò, tỷ trọng của sách rõ ràng đã suy giảm. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, thì vị thế của sách chắc chắn không còn như xưa. Tuy nhiên, trong lĩnh vực xuất bản và đời sống xã hội hiện đại, thì sách vẫn tiếp tục tồn tại trong ít nhất vài thế kỷ nữa. Sách sẽ không chỉ đóng vai trò là phương tiện truyền tải tri thức thông thường mà vẫn có cách để đem lại nguồn cảm hứng, gợi lên xúc cảm cho con người.
Đại dịch COVID-19 đã đem tới những nguy và cơ nào tới ngành xuất bản nói riêng và Alpha Books nói chung?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Giống như mọi ngành nghề trong xã hội, đại dịch COVID-19 khiến chúng tôi bị sụt giảm doanh số, thị trường bị đóng cửa còn các phương thức vận chuyển trở nên khó tiếp cận. Chúng tôi không còn đủ nguồn lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, cũng như không còn đủ tâm trí để nghĩ cho những dự án trong tương lai.
Thế nhưng thời kỳ COVID-19 cũng mở ra những không gian mới, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số và sản phẩm số.
Tôi nhớ vào giai đoạn Việt Nam trải qua thời kỳ giãn cách, khi cả xã hội lâm vào tình trạng khủng hoảng về tinh thần do diễn biến tiêu cực của dịch bệnh, ai ai cũng lo âu cho an nguy của bản thân, gia đình và xã hội. Alpha Books với tư cách là một đơn vị xuất bản nhận ra rằng chúng tôi có thể giúp đỡ mọi người bằng cách cung cấp tri thức về y tế cho mọi người. Do những hạn chế trong giai đoạn này, sách nói trở thành công cụ hữu hiệu nhất để truyền bá kiến thức, do đó tôi cùng các cộng sự tại ứng dụng sách nói Fonos đã cho ra mắt series “Sách nói miễn phí cho ngày cách ly”.
Tựu chung lại, dịch bệnh không chỉ gây ra những thiệt hại, nó còn mang lại cơ hội cho chúng ta thực hiện các bước chuyển đổi số nhanh hơn, quyết liệt hơn. Nó cũng giúp công chúng nhận thức rằng việc học tập và làm việc trên các nền tảng số dễ dàng tới thế nào. Những sự kiện hội họp, nếu chỉ vài năm trước thôi còn rất khó tổ chức theo hình thức trực tuyến, thì nay lại được đám đông chấp nhận và hưởng ứng dễ dàng.
Bên cạnh làm sách, cái tên Nguyễn Cảnh Bình còn gắn với series Midnight talk, cùng với đó là dự án “Tủ sách đời người” – tinh tuyển những cuốn sách dành cho người Việt ra đời mà phía Omega Plus khởi xướng mới đây. Liệu tất cả có nằm trong tham vọng xây dựng một hệ sinh thái tri thức dành cho quảng đại quần chúng người Việt của ông?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Trong giai đoạn giãn cách, tôi cũng khởi xướng một chương trình mới, đó là những cuộc trò chuyện đêm khuya vào các tối thứ Bảy mang tên “Midnight Talk”. Đây là một diễn đàn mở để công chúng và các học giả tương tác mạnh mẽ với nhau.
Còn với “Tủ sách đời người”, tôi thấy rằng một nền xuất bản hoàn chỉnh phải đặt các nhà xuất bản ở vị trí trung tâm, nhưng xung quanh chúng cần phải có các chi nhánh hoạt động hỗ trợ. Trong hơn hai thập kỷ qua, ngành xuất bản Việt Nam mới chỉ hình thành những trục chính đó là in ấn và xuất bản, còn những hoạt động bên lề như xếp hạng sách, tư vấn phát triển văn hóa đọc hay các giải thưởng về sách vẫn còn chưa phong phú. Bản thân tôi muốn đóng góp cho sự phát triển của ngành xuất bản bằng cách khởi xướng và vận hành một chuỗi các hoạt động xếp hạng để hỗ trợ tốt hơn cho độc giả. So với vài thập kỷ trước đây thì ngày nay chúng ta đã có rất nhiều sách vở, thế nhưng làm thế nào để định hướng tốt nhất cho độc giả thì cần có những danh mục, gợi ý phù hợp. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có hệ sinh thái bao gồm các giải thưởng dành cho tác giả, dịch giả và nhà xuất bản, đi kèm với đó là giải thưởng cho các đại sứ văn hóa đọc.
Gắn bó gần 2 thập kỷ với ngành xuất bản, ông đánh giá thế nào về sự thay đổi trong thói quen đọc của độc giả Việt Nam? Trong thời gian tới, bản thân ông và Alpha Books sẽ có những dự định, ý tưởng gì để đóng góp cho văn hóa đọc Việt Nam?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Có thể thừa nhận rằng việc đọc sách đang là hoạt động tương đối đại chúng. Sau một thời gian dài phát triển kinh tế cũng như trải qua những cuộc khủng hoảng, thì mọi người dần dịch chuyển về những chân giá trị, chúng ta hiểu ra rằng tri thức mới là cốt lõi của sự phát triển. Rất đáng mừng là thói quen đọc sách tại Việt Nam đang ngày càng nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội công nhận và khuyến khích phát triển. Có thể nói rằng văn hóa đọc đang dần được khôi phục. Chúng ta đã có những tiết đọc sách trong lớp học, có những câu lạc bộ đọc sách và những cuốn sách mà chỉ 10-15 năm trước thôi chưa chắc được xuất bản tại Việt Nam thì ngày hôm nay chúng ta đã được chứng kiến những tiến bộ này.
Trong thời gian tới, Alpha Books sẽ tiếp tục đóng góp cho các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong nước. Đặc biệt, tôi mong muốn thúc đẩy các tác giả Việt Nam viết sách cho độc giả Việt Nam, chúng tôi không chỉ muốn giới thiệu những đầu sách nước ngoài hấp dẫn cho độc giả, mà còn muốn truyền bá những tri thức của chính người Việt cho người Việt.
Liệu ông có hạnh phúc với hành trình cùng Alpha Books của mình hay không?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Nhờ có Alpha Books, tôi đã đạt được những mơ ước của bản thân. Nếu trở lại thời điểm khởi đầu cách đây 20 năm, tôi không hề biết trước mình sẽ đi đâu về đâu. Còn ở thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy hạnh phúc khi đạt được những mục tiêu mà mình mong muốn.
Nhưng tôi vẫn nhìn thấy những khó khăn, trở ngại trong mỗi bước đi của mình, tôi vẫn nhìn thấy những khoảng trống, những trở ngại mình cần chinh phục. Có thể nói hành trình làm sách của tôi là một niềm hạnh phúc đầy gian khó và thử thách.