Báo cáo của Viện Robert Koch (RKI) cho biết làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra ở Đức đã vượt qua đỉnh, với tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất kể từ đầu dịch, gần 1.500 ca/100.000 người và tỷ lệ mắc ở trẻ em là hơn 3.000 ca/100.000 trẻ em.
Nghiên cứu và theo dõi về sự lây nhiễm đối với trẻ em và thanh thiếu niên, hai chuyên gia dịch tễ của Đức là bác sĩ cấp cao về chăm sóc nhi khoa tại Bệnh viện Đại học ở Dresden, ông Jakob Armann và Giám đốc khoa nhi và thanh thiếu niên tại Bệnh viện Đại học Cologne, ông Jorg Dotsch, cho biết biến thể Omicron đã gây ra làn sóng gia tăng mạnh về số lượng nhưng tỷ lệ nặng phải nhập viện thì không cao.
Mặc dù vậy, các bậc cha mẹ vẫn lo ngại về những tác động tức thì cũng như ảnh hưởng lâu dài của COVID-19, trong đó có cả hội chứng viêm đa hệ trẻ em (PIMS) sau khi mắc COVID-19. Theo các chuyên gia y tế, thông thường, PIMS xảy ra từ 3 đến 6 tuần sau khi mắc COVID-19. Các triệu chứng có thể có như sốt cao đột ngột, mệt mỏi và đau khớp.
Ông Dotsch cho biết trẻ em có các triệu chứng như vậy, ngay cả khi mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc thậm chí không được phát hiện, nên đi khám ngay lập tức. Nếu được điều trị kịp thời, PIMS không phải là vấn đề đáng lo ngại và nguy cơ diễn biến nặng là thấp.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, tiêm chủng bằng vaccine của BioNTech-Pfizer có thể đạt hiệu quả chống lại hội chứng PIMS tới 91% ở trẻ từ 12 đến 18 tuổi. Vì vậy, ông Dotsch kêu gọi tất cả các gia đình có trẻ em hoặc thanh thiếu niên trên 12 tuổi nên tiêm chủng, điều này phù hợp với khuyến nghị của Ủy ban thường trực về tiêm chủng của Đức (Stiko).
Đối với trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, Stiko cũng cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 nếu các gia đình có nguyện vọng. Bác sĩ Armann cho biết bất cứ đối tượng nào từ 5 tuổi trở lên cũng có thể tiêm vaccine. Theo ông, trẻ em từ 5 đến 11 tuổi thậm chí dung nạp vaccine tốt hơn so với tuổi vị thành niên, vì vậy không nên quá lo lắng.
Tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chỉ định các thành viên của Ủy ban tư vấn cho chính phủ về các biện pháp chống dịch. Ủy ban mới được thành lập, gồm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như dịch tễ học, virus học, xã hội học và tâm lý học, đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách dành ưu tiên hàng đầu cho lợi ích của trẻ em.
Theo các chuyên gia trên, vì nhiều lý do khác nhau, đại dịch COVID-19 đã gây ra gánh nặng quá lớn cho trẻ em và thanh thiếu niên. Không chỉ là lây nhiễm, với các hội chứng như PIMS hoặc COVID kéo dài, mà những gánh nặng tiềm ẩn từ những tác động gián tiếp của đại dịch như phong tỏa; các vấn đề gia đình như căng thẳng, sợ hãi, bệnh tật, tử vong hoặc mất kế sinh nhai, mất tương tác xã hội... Các chuyên cho rằng cần phải kết hợp một cách thận trọng giữa kiểm soát tình trạng lây nhiễm và các biện pháp ổn định tâm lý xã hội, thích ứng với tình hình cụ thể.