Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá mức độ tư liệu hiện có để thể hiện giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng di tích Yên Tử, xác định ranh giới di sản đề cử; đồng thời, tham vấn các chuyên gia trong nước và quốc tế về giá trị nổi bật toàn cầu để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Phục vụ cho việc hoàn thiện hồ sơ Yên Tử trình UNESCO, Bộ VHTT&DL vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh sắp xếp, bố trí để mời và đón tiếp đoàn chuyên gia từ ICOMOS tới tham gia chuyến khảo sát đánh giá thực địa tại Yên Tử, đồng thời nghiên cứu kết hợp với việc tổ chức hội thảo nhận diện giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.
Trước đó, BộVHTT&DL đã nhận được thư của bà Regina Durighello, Giám đốc Ban Di sản Thế giới của ICOMOS giới thiệu Giáo sư Hae-Un Rii, Trường Đại học Dongguk tại Seoul, Hàn Quốc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ICOMOS Hàn Quốc tới Việt Nam để thực hiện chuyến khảo sát đánh giá thực địa ở giai đoạn I của "Qui trình tập trung - Upstream process” đối với hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới. Được biết, Giáo sư Hae-Un Rii là người có kinh nghiệm về Công ước Di sản Thế giới, Giáo sư đã tham gia lập các hồ sơ đề cử Di sản Thế giới của Hàn Quốc và có nhiều năm làm việc tại Ủy ban di sản thế giới. Dự kiến thời gian Giáo sư Hae-Un Rii cùng bà Regina Durighello và nhóm chuyên gia ICOMOS tham gia khảo sát tại Việt Nam trong khoảng 1 tháng, từ 25-7 đến cuối tháng 8-2015.
Chùa đồng thuộc danh thắng Yên Tử - Quảng Ninh. |
Việc lập hồ sơ quần thể danh thắng Yên Tử lâu nay được nhiều người quan tâm. Trước hết bởi không gian của quần thể danh thắng này, so với dự kiến ban đầu đã được mở rộng tới cả 3 địa phương (gồm Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương). Theo nhận định của các chuyên gia UNESCO, so sánh với các di sản thế giới như Vịnh Hạ Long, Thị trấn Hiraizumi, Đồi hoàng gia ở Ambohimanga (Madagasca)... thì khu danh thắng Yên Tử có đầy đủ tiêu chí trong việc bảo vệ tính nguyên vẹn của quần thể di tích và danh thắng. Song cũng chính vì việc bổ sung một di tích và có thêm một địa phương (Hải Dương) tham gia lập hồ sơ danh thắng Yên Tử, yêu cầu về một bộ hồ sơ khoa học và thuyết phục, chặt chẽ vẫn được đặt lên hàng đầu.
Riêng về phía Quảng Ninh, trong quá trình lập hồ sơ danh thắng Yên Tử, địa phương này đã mời ông Paul Dingwall - là chuyên gia của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tham gia trong vai trò tư vấn. Và hồi đầu năm 2015, sau chuyến đi khảo sát thực địa, ông đã thẳng thắn bày tỏ: Việc lập hồ sơ đề cử Yên Tử trở thành di sản thế giới là con đường rất gian nan, đòi hỏi nỗ lực rất lớn cả về thời gian, công sức. Trong khi Quảng Ninh đang chọn tới 5 tiêu chí đề cử, ông Paul Dingwall đề xuất là nên giảm bớt đi, tạo thuận lợi khi chứng minh các tiêu chí cũng như tầm quan trọng của nó. Giảm tiêu chí cũng không làm giảm giá trị của Yên Tử mà giúp tập trung vào những giá trị chính, nổi bật trong hồ sơ.
Theo phân tích của ông Paul Dingwall, quần thể danh thắng Yên Tử nên đề cử là di sản văn hóa chứ không nên đề cử di sản hỗn hợp, vì Yên Tử có 2 giá trị quan trọng nhất theo tiêu chí số 5 và tiêu chí số 6 của UNESCO. Trong đó, tiêu chí 5 thể hiện là một ví dụ nổi bật về hình thức cư trú của con người, tiêu biểu của một nền văn hoá. Nó thể hiện sự tương tác giữa con người và môi trường. Yên Tử đã được các nhà sư lựa chọn để tu hành, vì có phong thuỷ tốt, cảnh quan hữu tình, họ cũng đã sáng lập ra một thiền phái phật giáo ở nơi đây. Lựa chọn theo tiêu chí 6 cũng rất quan trọng vì Yên Tử thể hiện được nét đặc sắc của tín ngưỡng, tôn giáo, đạo Phật. Tiêu chí này sẽ được UNESCO xem xét kỹ lưỡng, vì nó khó để xác định, chứng minh cả về giá trị vật thể và phi vật thể nhưng với Yên Tử có nhiều giá trị về tôn giáo, tín ngưỡng lại có thể chứng minh được.
Tham vấn của ông Paul Dingwall và của nhóm chuyên gia ICOMOS (tới đây) sẽ là những kênh quan trọng để tham khảo trong quá trình lập hồ sơ. Rút kinh nghiệm từ những bộ hồ sơ di sản văn hóa trước đó, hi vọng sự hợp lực từ các địa phương sẽ giúp bộ hồ sơ danh thắng Yên Tử có sức thuyết phục UNESCO. Theo kế hoạch, bộ hồ sơ này sẽ được khẩn trương xây dựng để có thể hoàn thiện vào tháng 9-2015, sau đó tiếp tục chỉnh sửa và nộp lên UNESCO trong năm 2016, với mong muốn được xem xét công nhận di sản thế giới vào năm 2017.
Văn Khoa
Xem thêm:
1. Quản lý di sản UNESCO công nhận bằng gì?
2. Các địa phương chỉ “mơ” danh UNESCO, “lờ” danh hiệu quốc gia?