Màn làm xiếc, diễn thể dục gây sửng sốt
Không chỉ người dân trong nước mà đông đảo khán giả trên khắp thế giới đều bất ngờ một cách thú vị với sự xuất hiện của hai gương mặt lạ đến từ Việt Nam tại cuộc thi Britain’ s Got Talent 2018: cặp anh em Quốc Cơ và Quốc Nghiệp. Hai “hoàng tử xiếc” này được BTC mời đích danh, đồng thời đài thọ mọi chi phí để sang Anh dự cuộc thi.
Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, cặp anh em ruột người TPHCM bắt đầu tranh tài từ 21/4, trải qua các vòng sơ tuyển, bán kết, chung kết. Với những bài thi xuất sắc, đầy sáng tạo và khác biệt của mình, họ lập tức thành công, kể cả trong và ngoài cuộc thi. Các video trình diễn của họ trong cuộc thi đều đạt hàng triệu lượt xem trên fanpage chương trình.
Trong đó, phần thi ấn tượng nhất của Cơ Nghiệp chính là màn trình diễn không có dây an toàn tại chung kết cuộc thi vào tối 3/6. Lần đầu tiên hai nghệ sĩ hoàn thành phần thi mà không có dây an toàn. Họ bước ra sân khấu với trang phục bộ đội. Sau đó, cả hai nhanh chóng thể hiện phần thi với các màn khởi động như chống đẩy, nâng nhau… Phần khó nhất là màn chồng đầu bước qua các cọc cao trên sân khấu. Quốc Cơ và Quốc Nghiệp khiến khán giả và ban giám khảo hồi hộp khi chiếc cọc cuối có khoảng cách xa, buộc nghệ sĩ trình diễn phải có cú nhảy trong tư thế đang chồng đầu. Giám khảo lấy tay che mắt, khán giả liên tục cổ vũ đôi nghệ sĩ ở tiết mục nguy hiểm trong đêm thi tìm kiếm tài năng Anh. Và khi Cơ-Nghiệp hoàn thành phần thi của mình, tất cả đều vỡ òa. Mọi người đều tiếc khi hai gương mặt lạ này đã không lọt vào Top 3. Còn bản thân hai “hoàng tử xiếc” cũng tiếc song họ đã có thể hoàn toàn hài lòng, có thể tự hào vì đã thể hiện tới cùng khả năng của mình, và qua đó khơi dậy niềm vinh dự tự hào Việt Nam.
Làm nên cơ nghiệp từ thể thao
Trước khi tỏa sáng rực rỡ trên nước Anh, Quốc Cơ và Quốc Nghiệp đã là cặp anh em gây chú ý và truyền cảm hứng bậc nhất cho giới trẻ hiện nay. Họ đã giành 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tại các kì Liên Hoan xiếc Quốc tế tổ chức tại Ý, Nga, Trung Quốc, Cuba và các nước khác, 2 giải đặc biệt tại Festival Xiếc Monte Carlo. Lập kỷ lục Guinness thế giới khi đi hết 90 bậc thang nhà thờ Chính tòa Girona, Tây Ban Nha trong vòng 52 giây với tư thế chồng đầu giữ thăng bằng.
Xuất phát điểm của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp là thể thao. Ngay từ nhỏ, hai anh em đã theo đuổi bộ môn nhào lộn, thể dục dụng cụ và nhanh chóng trở thành những vận động tiền đầy tiềm năng của thể dục dụng cụ Thành phố HCM. Đây là những hình ảnh hai em em cơ nghiệp thi đấu tại giải thể dục nhào lộn TP HCM năm 2005, giải đấu mà họ đã giành những tấm HCV và đó là những tấm huy chương ở giải vô địch toàn quốc. Nhưng đúng vào thời điểm đang đạt phong độ cao nhất, anh em Cơ - Nghiệp được giới thiệu vào ngành xiếc, họ đam mê với nghề mới và gắn bó cho tới ngày nay. Theo chia sẻ của Giang Quốc Cơ, những động tác chồng đầu hay dùng tay không thể chỉ dựa vào thể lực mà phải trên nền tảng kỹ thuật, mà những kỹ thuật đó là từ… thể dục dụng cụ.
Niềm cảm hứng cho thể dục dụng cụ Việt Nam
Từ gốc thể thao, cụ thể là nhào lộn và thể dục dụng cụ, anh họ Giang đã làm nên cơ nghiệp lớn trên sân khấu xiếc bằng khổ luyện và đam mê. Họ đã cùng nhau chinh phục khán giả toàn thế giới, chinh phục mọi kỷ lục thế giới để khơi dậy niềm tự hào về khả năng của người Việt. Vậy phía trước họ có những kỷ lục hay mục tiêu gì cần chinh phục?
Tất cả những động tác biểu diễn khó nhất của anh em Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp để chinh phục khán giả toàn thế giới cũng như các kỷ lục Guinness hội tụ những yếu tố đòi hỏi thể lực, tính linh hoạt, nhanh nhẹn, sự phối hợp, cân bằng, uyển chuyển – những kỹ thuật có trong thể dụng nhào lộn, dụng cụ. Vậy nên, Quốc Cơ và Quốc Nghiệp đã không mất nhiều thời gian khi đến với nghệ thuật xiếc.
Anh em Cơ - Nghiệp chinh phục nghệ thuật xiếc thế giới, cũng một phần nhờ xuất phát điểm từ môn thể dục dụng cụ. Vậy liệu thể dục dụng cụ Việt Nam có thể bứt phá, thậm chí vươn tới Olympic, như cái cách hai cựu VĐV thể dục dụng cụ, nhào lộn nhà họ Giang vươn lên đỉnh cao xiếc thế giới?
Theo anh em nhà họ Giang - những người xuất phát từ thể dục dụng cụ thì bộ môn Olympic này phù hợp với khả năng của người Việt Nam và các VĐV Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên tầm thế giới.
Việt Nam không thiếu tài năng và có tiềm năng lớn ở thể dục dụng cụ, môn thể thao Olympic, nếu có đầu tư, đam mê và khổ luyện. Thành công của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, cùng những Phước Hưng, Thanh Tùng, Phương Thành, Hà Thanh, Ngân Thương, phần nào đã minh chứng cho điều đó. n