Tính ra, ngót nghét cũng 23 năm rồi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuân 60 tuổi và bà Đỗ Thị Kim 58 tuổi lao ra đường cứu người, bất kể đêm ngày, mưa gió, lễ lạt, với hơn 5.000 vụ!
1. “Nhưng nói gì thì nói, trưa nay phải ở lại ăn miếng cơm với cô chú nhé” - bà Kim nhiều lần nài khách, dù tôi đã nhận lời ngay lúc đầu. Tôi hỏi chuyện cứu nạn, bà tặc lưỡi: “Ghê lắm, chỗ này bị tai nạn suốt con ạ. Như tối qua, có đến 4 vụ, cô chú quần quật cứu người cả đêm, có ngủ được đâu”. Tôi ngó ra đường, ngay khúc cua tử thần, thấy xe cộ lao đi vun vút, mà rùng mình. Bên trái hướng nhìn của tôi, là cây cầu mang số 38, vắt qua dòng nước của hồ thủy điện Thác Mơ, nối liền hai xã Minh Hưng và Đức Liễu của huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước). Toàn bộ chiều dài lý trình của cầu, cũng như quãng đường vài trăm mét ở hai đầu cầu, được dân xứ này, và cánh tài xế chạy xe tuyến này, đều gọi là “khúc cua tử thần”. Đơn giản, vì nó hạn chế tầm nhìn. “Nhưng cô nghĩ, phần lớn tai nạn là do người lái, chạy ẩu, không làm chủ tốc độ” - bà Kim thẳng thắn.
Bà dắt tôi đi về phía khúc cua, ngay khúc quẹo trước khi lên cầu từ hướng Bình Phước lên Đăk Nông, chỉ vết tích của vụ tại nạn cách đó mấy hôm. Tôi nhìn mà rùng mình: Những thanh tà vẹt có chức năng như lan can đường bị móp, lệch, có chỗ bị gãy lòi ra nhọn hoắc, bà Kim thấy vậy tìm vật bịt đầu lại cho bớt nguy hiểm. Xung quanh đó, những mẩu vụn từ các phần của ô tô, xe máy vẫn còn vươn vãi. “Vụ này khiếp. Cô chú phải vất vả lắm, mới lôi người bị nạn ra khỏi cabin. May mà cứu được, và kịp thời đưa đi viện” - bà Kim nói. Tôi theo chân bà, đi đến con mương gần đó, theo cái chỉ tay, thấy mảnh vụn kính xe còn vương vãi. Trở ngược vào phía trước quán cà phê, tôi thấy mấy lốp xe, chỉ tay hỏi, thì bà bảo đó là lốp xe của mấy vụ tai nạn gần đây.
Gần 23 năm cùng chồng cứu nạn người bị tai nạn giao thông, những máu me, những phần thân thể rách nát hay đại loại thế… tưởng chừng sẽ là ám ảnh nhất trong tâm trí bà. Nhưng bà Kim bảo, điều ám ảnh bà nhất là những lời nói của nạn nhân, bởi lúc đó, là thời khắc họ biết mạng sống của mình là gì. “Như cách đây không lâu, tôi với chồng lôi được người ra khỏi xe. Tay chân, nội tạng cậu ấy gần như nát hết nhưng vẫn cố nói với tôi: “Cô ơi cứu con với, con còn vợ, còn con ở nhà nữa” - bà Kim xúc động, rồi quay mặt đi hướng khác. Tôi hiểu, mình không nhất thiết phải hỏi người đàn ông ấy có qua khỏi sau vụ tai nạn đó hay không.
2. Tầm gần trưa thì ông Tuân về. Hóa ra, ngoài cùng vợ cứu nạn ở điểm đen này, ông còn tham gia công tác xã hội ở xa. “Vô đó có mấy việc linh tinh cuối năm ấy mà. Chủ yếu là coi lại danh sách người nghèo, người tàn tật, neo đơn,… để chuẩn bị quà tết cho họ” - ông Tuân giải thích. Không cần giở sổ nhật ký, ông Tuân bảo ngay năm 2018, đến thời điểm tôi gặp ông, có 95 vụ tai nạn. “Là ít hay nhiều hơn so với mọi năm?” - tôi hỏi. “Là ít hơn. Như năm 2017 là 160 ca, năm 2016 là 120 ca, năm 2015 là 136 ca”- ông nhớ lại. Và giải thích: “Con số đó cũng tương đối thôi. Vì có những vụ nạn nhân nguy kịch quá, thì mình lo gọi cấp cứu hay chuyển đi chứ không kịp hỏi thông tin để ghi chép lại”. Nghĩa là trên thực tế, số vụ tai nạn xảy ra ở đây luôn cao hơn so với con số mà vợ chồng ông ghi vào nhật ký.
Bà Kim chuẩn bị buổi trưa. Ảnh: Xuân Thọ. |
Cái việc cứu người của mình, ông Tuân không biết là… duyên hay là nợ. “Chỉ biết là không thể làm ngơ, không thể không cứu được” - ông nói. Đời ông, từng suýt chết 3 lần còn gì! Đó là những ngày ông đi lính, hành quân từ đường 9 Khe Sanh trong chiến tranh biên giới với Trung Quốc. Vợ ông cũng là xung kích của mặt trận này. Biên giới im tiếng súng, hai người nên nghĩa vợ chồng, con cái lần lượt ra đời, nhưng rồi khổ quá, phải rời đất Thanh Hóa để hành phương Nam. Trên con đường tìm chốn mưu sinh ấy, chả hiểu sao dạt lên tận vùng đất đỏ Bình Phước. Lại ngay tuyến quốc lộ 14 nối Bình Phước với các tỉnh Tây Nguyên, lại ngay trúng điểm đen với cả trăm vụ tai nạn giao thông mỗi năm. “Hồi đi chiến tranh, cấp cứu cho thương binh đã đành. Giờ thời bình, mà gần như ngày nào cũng cấp cứu kiểu này, thấy sao sao ấy” - bà Kim trăn trở. Tất nhiên, không phải đó là cái trăn trở vì khổ cực, mà nghĩ, sao lắm tại nạn thế, khi mà con người có thể chủ động giảm thiểu được, bằng cách chạy chậm lại ít thôi.
“Đó là điều vợ chồng tôi mong muốn” - ông Tuân gợi mở. Rồi tiếp: “Chúng tôi mong người cầm lái ý thức chút xíu, đừng chạy ẩu. Chớ cứu người kiểu này, có… vui vẻ gì đâu”. Rất nhiều trong những vụ mà vợ chồng ông cứu, người nạn nhân rất nồng nặc bia rượu. Nhiều trong số ấy còn rất trẻ, cả một trời tương lai đang chờ phía trước, nhưng đóng sập lại sau mỗi tiếng “ầm”. Ông Tuân lo âu: “So với mọi năm, thì năm 2018 này ít hơn, cũng mừng. Nhưng thời gian gần tết này, số vụ tăng lên nhiều do xe cộ lưu thông nhiều, nhất là ban đêm”.
3. Bên phải trước lối vào nhà ông, có tấm biển: “Hội Chữ thập đỏ xã Đức Liễu, chốt sơ cấp cứu nhân đạo số 2, cầu 38, câu lạc bộ hội viên tán trợ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Phước”. Tưởng được tài trợ, ai ngờ là do ông bỏ tiền túi ra làm. “Tôi có xin 1 triệu để làm cái biển đó, nhưng không được, nên bèn bỏ tiền túi, tự làm” - mắt ông đăm chiêu. Hỏi thêm, mới biết gần 23 năm làm việc nghĩa này, vợ chồng ông chưa được nhận bất kỳ sự hỗ trợ bằng kinh phí nào chính quyền. Ngay cả bông thấm cầm máu hay một số loại thuốc, vợ chồng ông phải bỏ tiền ra mua, hoặc đi xin. “Nghe nói đã có quyết địn thành lập chốt này rồi, mà Sở Y tế chốt mấy năm nay. Anh em hội chữ thập đỏ tỉnh cũng có hỏi giùm, mà chưa thấy đâu” - giọng ông Tuân buồn bã.
Vợ chồng ông Tuân bên hộp thuốc cấp cứu. Ảnh: Xuân Thọ. |
Tôi hỏi: “Nếu có được quyết định ấy thì mình có được gì không?”. Ông đáp: “Thì mình được hỗ trợ bông, băng để cứu người thôi”. Vậy đó, ngay cả người bỏ hàng chục năm trời để làm việc thiện, mà cấp lãnh đạo liên quan vẫn phớt lờ như không. Nhưng vợ chồng ông không thể phớt lờ với người bị nạn được. “Nhiều khi họ bị đâu đó, cũng gọi cho mình. Nghĩ cảnh họ kề cận tử thần, mà không nỡ” - bà Kim bày tỏ. Bà chỉ cho tôi xem mấy thanh gỗ, bảo đó là dùng để nẹp cho nạn nhân. Gần đó là chiếc băng ca bằng inox đan vải. Tất cả đều được đi xin, hoặc các tổ chức nhân đạo hay chính người bị nạn sau khi được cứu, quay trở lại đóng góp cho vợ chồng bà để cứu người. Xe cấp cứu, nhiều khi số vụ nhiều quá, không đủ để đưa nạn nhân đi, vợ chồng bà cũng bỏ tiền túi ra gọi xe ngoài chở nạn nhân. “Cũng có khi tài xế biết, không nhận tiền” - bà Kim cho hay. Còn ông Tuân kể chuyện gần đây, có “thằng cu” vừa mới 18 tuổi quê ở Long An, lên đây đi làm được mấy tháng nhưng bị quỵt lương. Không may bị tai nạn, sơ cứu xong, hai vợ chồng đưa lên trạm y tế, rồi cho tiền xe về… Nghĩ mà thương!
Cả ông Tuân và bà Kim bây giờ đã là người có tuổi, sức khỏe ít nhiều vơi đi, chuyện cứu người vì thế mà có phần khó khăn hơn. Cũng may, con cái cũng “học” theo cha mẹ, nên những lúc ở nhà, nếu có tai nạn thì không ngại ngần giúp đỡ. “Còn vợ chồng tôi, một trong hai người phải có mặt ở đây, nhỡ có chuyện thì ra tay ngay, không dám cùng nhau đi hết cả nhà được. Lễ tết cũng vậy, chẳng dám đi đâu xa và lâu cả…” - bà Kim chia sẻ. Còn ông Tuân thì mong rằng, “ở trên” nhìn xuống mà thấy điểm đen này, để mở rộng thêm đường, thêm cầu để tầm nhìn của lái xe không bị khuất. Chỉ có như vậy, mới may ra giảm thiểu tai nạn, chớ không thì đau thương còn dài dài mãi. “Nhưng trước hết, bản thân người đi đường phải làm chủ chính mình, đừng chạy ẩu mà rước họa vào thân” - ông Tuân mong mỏi.