Chuyện buồn bên sông Đà
Chiều 16/9, chúng tôi tìm về Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Sơn La (Mai Sơn, Sơn La). Mấy hôm nay, dư luận cả nước xôn xao về việc anh Lò Văn Muôn buộc xác em gái là Lò Thị Phanh đi hơn 90km về nhà tại bản Ít (xã Mường Sại, Quỳnh Nhai, Sơn La). Sự việc qua đi được mấy ngày, dư luận nơi đây vẫn xôn xao bàn tán, nhưng hầu hết đều thông cảm cho hành động trên.
“Không có điều kiện, chứ có tiền thì thuê xe chứ ai lại bó người như bó củi thế. Khổ. Có cái chiếu với người không. Họ nghèo quá. Nếu vào tận nhà tìm hiểu thì ra mọi chuyện luôn”, chị Miến, một chủ quán tạp hóa cạnh cổng bệnh viện chia sẻ. Theo chỉ dẫn của chị Miến, từ cổng bệnh viện, chúng tôi lên thành phố Sơn La rồi rẽ theo hướng đi huyện Quỳnh Nhai. Đường đi lại khá thuận lợi, không đến mức quá khó khăn.
Chỉ duy nhất một lần phải qua bến đò Nậm Ét trên sông Đà sau đó vượt hơn 20km ven sông nữa mới đến được bản Ít. Suốt dọc đường, hỏi ai cũng biết ít nhiều về trường hợp “lạnh người” này. Một người bán nước gần cổng trường Trung học cơ sở Mường Sại bảo, mấy hôm nay người dân địa phương bàn tán nhiều.
“Trước đến giờ chưa có trường hợp nào như thế cả. Nhiều người ở đây cũng sợ”, chị này nói. Dù cùng là người Thái, nhưng chị này bảo, không hề có chuyện phong tục, tập quán là buộc người chết đằng sau xe để chở về như thế. “Bình thường thì vẫn chở bằng xe máy, nhưng đằng sau phải có người ôm”, chị này nói.
Chiều 16/9, phóng viên báo Tiền Phong đã chuyển số tiền 5 triệu đồng của báo tặng gia đình ông Lò Văn Pé để ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho cháu Vạc Thị Vó đi học. Cá nhân một cán bộ báo Tiền Phong cũng tặng gia đình ông Pé 1 triệu đồng.
Xã Mường Sại được thiên nhiên ưu đãi nằm bên bờ hồ Thủy điện Sơn La trên sông Đà đẹp như tranh vẽ. Thiên nhiên giao hòa, có lẽ vì thế nhiều nhà dân ở đây cũng thuộc dạng tươm tất. Nghề chính của người dân là làm nương, làm ruộng, thỉnh thoảng cũng có đi đánh bắt cá. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi đi, nhưng, nếu để ý, chỉ trên mấy con đường nhỏ ở thôn, bản, có vài ba tấm biển cảnh báo tránh xa ma túy.
Ông Ngần Văn Khói, trưởng Công an xã Mường Sại cho biết, cách đây hơn chục năm, khi ở đây và khu vực xung quanh rộ lên nghề khai thác vàng, nhiều người dân địa phương giao du, chơi bời lâm vào cảnh nghiện ngập, hút chích rồi mắc bệnh thế kỷ.
Ông Khói bảo, chồng chị Phanh đã ra đi vài năm trước cũng vì căn bệnh này mà một phần lý do có thể bắt nguồn từ những đợt chơi bời với đội ngũ đãi vàng ngày xưa. Rồi số phận run rủi, chị Phanh cũng mắc căn bệnh này, có vài đợt, chị cũng lên huyện nhận thuốc điều trị. “Cũng chết nhiều người rồi. Hiện, vẫn còn khoảng hơn chục đối tượng nghiện ngập ở địa phương đấy”, ông Khói nói thêm.
Trò chuyện thêm, ông Khói bảo, ở địa phương cũng biết câu chuyện của chị Phanh nên khi biết chị mất, nhiều người không bất ngờ, chỉ là bất ngờ về cách anh Lò Văn Muôn đưa chị Phanh về. Thấy dư luận râm ran, cấp trên chỉ đạo, ngay sau khi sự việc xảy ra, công an xã đã xuống làm việc với những người có liên quan.
Cẩn thận hơn, ông Khói còn mở biên bản để nói cho rõ. Xưa nay chưa ai làm như anh Muôn cả. Có lẽ do anh ấy làm lần đầu nên bị tâm lý. Ở đây, hầu hết người ta vẫn chở xe máy, nhưng có người ôm phía sau…”, ông Khói nói.
Ông Lò Văn Muôn bên cạnh chiếc xe đã chở thi thể chị Lò Thị Phanh về nhà. |
Đâu là sự thật?
Hẹn gặp mấy lần, anh Lò Văn Muôn mới qua đò sang sông gặp phóng viên. Mở đầu câu chuyện, anh Muôn bảo: “Được thôi, tôi kể lại cho các chú nghe”. Người đàn ông đi cùng tên Lò Văn May, người họ hàng của anh Muôn bảo, mấy hôm nay nhiều người gọi điện hỏi, có người hỏi cả tiếng nên anh Muôn rất mệt.
Anh Muôn chậm rãi từng câu chữ: “Hôm đó tôi ở nhà. Ông Pé đi trông cô Phanh trong bệnh viện. Thấy cô cũng yếu rồi mới bảo xuống cho về nhà. Hai anh em đi một chiếc xe máy xuống bệnh viện, thấy tình hình cô cũng không qua khỏi vì yếu quá rồi nên tôi cũng làm đơn xin ra viện. Tôi thuê xe ôm 400 nghìn, ông xe ôm đồng ý đi với điều kiện là em tôi chưa chết. Về đến chỗ Nà Sản thì cô ấy mất. Tôi xin ông xe ôm cố gắng đi một đoạn nữa. Đến ngã ba Trường Sinh, khoảng hơn 100 mét thì ông xe ôm đặt em tôi xuống. Tôi vừa thương em tôi, vừa thương ông xe ôm nên tôi trả ông ấy 150 nghìn. Lúc đó tôi mới gọi người nhà ở viện về ngay, không đợi thanh toán nữa. Lúc này có hai vợ chồng ông ở trong xóm đi qua. Tôi nhờ họ mua chiếu, 4 bó hương, 1 quả trứng, một bát gạo. Thắp hương khấn xong là tôi lấy cái chiếu đó quấn vào. Chờ người nhà đến, hai cái tre đặt ngang, lấy dây cao su quấn vào. Tôi chả biết làm sao, hoang mang, bất ngờ, nước mắt chảy tràn. Tôi chả biết làm sao, tôi vẫn chở em nó về đến nhà. Hoàn cảnh chúng tôi là như thế đấy”.
Chị Lò Thị Phanh (SN 1976, ở Quỳnh Nhai, Sơn La) mắc cùng lúc căn bệnh thế kỷ và bệnh lao. Chị nhập viện ngày 29/8 tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Sơn La trong tình trạng suy kiệt. Ngày 12/9, gia đình chị đã có đơn xin ra viện và được các bác sĩ đồng ý. Không đủ tiền thuê xe cứu thương, chị được đưa về nhà bằng xe ôm nhưng tử vong trên đường. Người nhà buộc phải dùng gậy, chiếu để đưa chị về trên xe máy.
Anh Muôn nói, mắt ngân ngấn nước: “Chúng tôi không có tiền mà thuê xe. Tiền hai bố con đi chữa bệnh hết rồi. Lấy tiền đâu ra thuê xe. Bây giờ thuê xe cả 7 – 8 triệu thì không có”. Ông May góp lời, kể lúc đầu tôi hỏi bệnh viện thì bảo là không có xe, chỉ có xe ngoài thôi. “Xe ngoài bao nhiêu tiền hả cô? 7 triệu. Không có điều kiện thì 7 triệu không nói nữa”, ông May nói. Sau đó, trên đường từ viện về, ông May mua hai cái dây cao su, rồi đi lấy cây mục đích để chống thân cho người chết.
“Thắp hương xong, 3 người đi một xe, tính cho ông già đi một xe nhưng không được. 3 người đi một xe, người chết ở giữa, không ôm được tay lái nên thôi. Lúc đấy nghĩ kiểu này phải quay ra lấy hai cái cây kia để chằng vào. Anh Muôn lái. Rồi có người quen thương, cho tải 3 đuổi theo. “Chúng tôi thay nhau chở, đến bến phà Nậm Ét còn chờ cả nhà về cùng mới sang sông cơ mà”, ông May nói.
Con thơ trông cậy vào ai?
Được một vài thanh niên địa phương dẫn đường, phóng viên Tiền Phong tìm đến nhà ông Lò Văn Pé, bố đẻ chị Lò Thị Phanh và anh Lò Văn Muôn. Tiếp đón phóng viên trong căn nhà tồi tàn, phải mất gần 10 phút, ông Pé mới tìm được chiếc áo phông đã cũ mặc vào người. Ông bảo, đã lo xong tang lễ cho con gái vào ngày 13/9, đang tiếp tục dọn dẹp.
Ông Pé sinh năm 1939, không nói được nhiều tiếng Việt nên phải nhờ một người hàng xóm giúp nói chuyện với phóng viên. Ông bảo, mất chị Phanh, nhà còn 5 người, toàn người già cả, ốm yếu, bệnh tật nên chẳng biết trông vào ai ngoại trừ cô con dâu.
Trong lúc ông Pé nói chuyện, cậu con trai thứ ba nằm ườn ra giữa nhà, không phản ứng gì. Ông bảo, nó không nói năng gì, không làm ăn gì, suốt ngày chỉ ăn rồi nằm. Trong lúc ông nói chuyện, ở đầu nhà có tiếng phì phì, cười cợt. Thỉnh thoảng, ông lại dỏng tai nghe. Ông bảo, đó là cậu em sinh đôi của thằng thứ ba, bị thần kinh nên ông phải xích lại, không cho đi đâu.
Ông Lò Văn Pé và cháu Vạc Thị Vó trong ngôi nhà tồi tàn. |
Câu chuyện trầm buồn bên trong căn nhà xộc xệch chẳng có thứ gì đáng giá. Một chiếc ti vi đã cũ, một chiếc tủ lạnh cũng đã sắp hỏng. Cô con dâu tên Lò Thị Trịnh bảo toàn là tài sản của ông Pé. Cô Trịnh lấy con trai thứ ba của ông Pé đã lâu nhưng chưa có con. Đợt này, sau khi chị Phanh mất đi, toàn bộ gánh nặng gia đình đè lên vai chị và bố chồng.
“Bây giờ cũng chẳng biết làm gì để có cái ăn. Chữa bệnh cho cái Phanh cũng tốn kém lắm. Mất mấy con lợn tạ rưỡi, yến rưỡi rồi”, ông Pé thở dài. Trong suốt cuộc trò chuyện, bé Vạc Thị Vó, 6 tuổi hết quấn lấy ông rồi lại sang ngồi với người cậu ở giữa nhà, rồi sán lại bên mợ Trịnh. Bây giờ, Vó không biết trông cậy vào ai ngoài người mợ. Ông ngoại đã già, bố mẹ không còn, hai cậu thì không lo nổi bản thân. Hỏi Vó có thích đi học không, Vó chỉ ngước mắt nhìn, không nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lò Văn Xương, Phó Chủ tịch xã Mường Sại bảo, Ủy ban nhân dân xã sẽ có phương án bàn bạc, huy động các cấp các ngành, nhà trường tạo điều kiện chỗ ăn chỗ ở, chỗ học cho cháu Vó. “Bây giờ cháu đang học ở điểm lẻ. Chúng tôi đã thống nhất đưa cháu về học ở trường trung tâm, cho bán trú…”, ông Xương nói.
Bệnh viện phải có trách nhiệm bố trí xe cứu thương chở bệnh nhân về
Ngày 16/9, trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia lâu năm về bảo hiểm y tế (BHYT) cho biết, qua báo chí phản ánh cho thấy, nếu lãnh đạo từ khoa điều trị đến bệnh viện quan tâm, chắc chắn không xảy ra một hình ảnh gây xôn xao dư luận như vậy.
Về chế độ BHYT, vị chuyên gia cho biết, với người nghèo, người cận nghèo, thân nhân gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách... đều có quy định Nhà nước hỗ trợ chế độ BHYT rất rõ ràng. Ngoài ra, ở các bệnh viện hiện nay, thường có quỹ của Giám đốc để chi cho những trường hợp tương tự.
Bệnh viện phải có trách nhiệm bố trí xe cứu thương để chở bệnh nhân về. “Các đối tượng như chị Lò Thị Phanh đã có quy định cụ thể về chế độ hỗ trợ viện phí trong quá trình điều trị. Không những vậy, bệnh viện phải có trách nhiệm chuyển viện đúng tuyến để điều trị hoặc trong trường hợp tử vong”, vị chuyên gia nói.
Phong Cầm