'Đây là chồng tôi', bà Nguyen Thi Xuan chỉ vào một chiếc gối được quấn trong lá cờ Việt Nam cùng một chiếc áo quân phục Nhật Bản được gấp bên trong. Bà vẫn ôm chúng ngủ hàng đêm.
BàNguyen Thi Xuan ôm ảnh chân dung người chồng Nguyen Van Duc, một binh lính Nhật Bản, tại ngôi nhà ở Hà Nội. Ảnh:Reuters |
Bà Xuan, 94 tuổi, là một trong vài góa phụ còn sống có chồng là các binh lính Nhật Bản, những người đã quay trở về nước sau Thế chiến II. Nhiều người trong số này chưa bao giờ gặp lại gia đình ở Việt Nam, theo Reuters.
Trong chuyến thăm Việt Nam tuần này, Nhật hoàng Akihito, 83 tuổi, sẽ gặp gỡ một số vợ con của các cựu binh Nhật Bản từng tham chiến tại Việt Nam nhằm xoa dịu những vết thương của chiến tranh.
Những câu chuyện dang dở của các gia đình Việt - Nhật là một phần trong những thăng trầm trong quan hệ giữa hai nước suốt nhiều năm. Trong khi nhiều người Việt vẫn phẫn nộ khi nhắc tới sự chiếm đóng của lính Nhật những năm 1940, một số người lại xem đây là bước đệm tiến tới chấm dứt chế độ thực dân của người Pháp tại Đông Dương.
Hầu hết trong hàng triệu người Việt thiệt mạng vào thời điểm đó là do nạn đói dưới ách áp bức của người Pháp và đế quốc Nhật. Một số người sống sót như bà Xuan đã rơi vào chuyện tình dang dở với các binh lính Nhật.
"Ông ấy nói tiếng Việt rất giỏi và thường thì thầm những bài hát tiếng Việt", bà kể về chồng với đôi mắt lấp lánh.
Họ kết hôn vào năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh. Lúc đó có khoảng 100.000 binh lính Nhật đang đóng ở Đông Dương. Thay vì quay về nước, chồng của bà Xuan đã cùng khoảng 600 cựu binh tham gia lực lượng Việt Minh chống Pháp.
Khoảng một nửa số binh lính Nhật đã thiệt mạng trong cuộc chiến hoặc do bệnh tật. Khi Việt Minh giành chiến thắng trước đội quân của Pháp năm 1954, một số người sống sót phải quay về quê hương.
Bà Nguyen Thi Xuan cầm một món quà lưu niệm của chính phủ Nhật Bản dành cho người chồng Nguyen Van Duc. Ảnh:Reuters |
Chia cách
Chồng bà Xuan nằm trong nhóm 71 binh lính đầu tiên được đưa về Nhật năm 1954 và không được phép mang theo gia đình. Nhóm còn lại rời đi năm 1961 và có thể dẫn theo vợ con nhưng khi đó, có những người đã có con với nhiều phụ nữ khác nhau khiến một số thân nhân bị bỏ rơi.
Lời từ biệt cuối cùng với cha như một ngọn lửa bốc cháy trong ký ức của bà Nguyen Thi Van, 63 tuổi. "Ông ấy đã hứa sẽ quay lại và đón chúng tôi đi. Nhưng ông ấy không bao giờ có thể làm điều đó", bà nói và cho hay cha mình qua đời 7 năm sau khi trở về Nhật Bản.
Khi cuộc chiến tranh với Mỹ nổ ra, những gia đình Việt - Nhật bị rơi vào thế khó xử bởi Nhật là đồng minh với Mỹ. Tình hình chỉ được cải thiện sau năm 1975. Chiến tranh Lạnh kết thúc đã tạo điều kiện cho quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản được cải thiện nhanh chóng.
Nhật Bản trở thành nhà viện trợ lớn nhất của Việt Nam trong 4 thập kỷ. Riêng lĩnh vực đầu tư tư nhân, nước này xếp thứ hai chỉ sau Hàn Quốc. Cả Việt Nam và Nhật Bản đều có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc. Hai bên cũng ủng hộ Hiệp định Tự do Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bà Nguyen Thi My cầm bức ảnh của người chồng Nhật Bản Nguyen Van Thai, tại ngôi nhà ở Hà Nội. Ảnh:Reuters |
Dù Nhật hoàng Akihito không có quyền lực chính trị, chuyến thăm đầu tiên của ông đến Việt Nam, sau chuyến thăm hồi tháng một của Thủ tướng Shinzo Abe, vẫn mang nhiều ý nghĩa về mặt ngoại giao.
Sau khi chồng quay về Nhật Bản, bà Xuan lựa chọn ở vậy và không đi bước nữa. Năm 2005, hai người đã có cuộc đoàn tụ ngắn ngủi khi ông và gia đình của mình sang thăm Việt Nam.
"Tôi cảm thấy mãn nguyện khi được gặp lại ông ấy dù chỉ một lần", bà Xuan nói. "Quá khứ là quá khứ. Bây giờ đã đến lúc phải bước tiếp".